Tôi không biết mình viết bài này để kỷ niệm điều gì. Nhưng tự nhiên cảm thấy muốn viết một chút, nhân chuyện dịch xong bài Mô ngư nhi của Nguyên Hiếu Vấn. Và có lẽ cũng để tri ân anh, một dịch giả mà tất cả những người yêu Kim Dung, cũng như tôi, đều muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất, vì Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên Long bát bộ, và vì anh là người đã đem đến cho tôi sự tự tin trong dịch thuật.
Một ngày nào đó cách đây hai năm, tôi ngồi đọc bài từ của Khuông Việt – bài Nguyễn lang quy tiễn Lý Giác về Tống, và ngẫu nhiên có ý tưởng khá ngông cuồng là dịch nó thành thơ. Cái bước chân non nớt đầu tiên ấy đã nhận được sự khích lệ khéo léo của anh: “bản dịch của em hay hơn bản của Ngô Tất Tố”.
Tôi biết anh là một người rất khách quan; bởi thế cho nên lời ngợi khen ngắn ngủi ấy của anh đã khơi dậy được sự tự tin và niềm kiêu hãnh của một cậu bé mới chập chững bước chân vào thi đạo như tôi. So sánh mình và một danh gia trong giới dịch thuật Việt Nam? Tôi dù có kiêu ngạo đến đâu cũng không dám vọng tưởng điều ấy. Nhưng biết đâu, trong một phút ngẫu hứng bất ngờ, với một bài thơ mà riêng mình yêu thích, tôi có thể miễn cưỡng sánh ngang với tiền nhân?
Như thế là đủ, đủ để tôi thấy rằng thi ca không phải là toán học, không phải chỉ có một đáp án duy nhất cho một phương trình, và cái bóng của những Tản Đà, những Khương Hữu Dụng, những Nam Trân không phải là vĩnh cửu.
Vậy là đã hai năm, kể từ ngày tôi đặt bút dịch bài thơ đầu tiên. Có thể anh không nhận ra, có thể anh nhận ra mà không nói, nhưng tôi tự biết mình đã phạm hai sai lầm trong bài thơ ấy. Có lẽ chỉ mình tôi nhớ, có lẽ chỉ mình tôi hiểu, có lẽ trong mười người đọc không có lấy một người lưu ý, nhưng điều quan trọng hơn cả là tôi vẫn nhớ rằng mình đã sai lầm. Hôm nay, khi viết cho anh những dòng chia buồn và bối rối lựa chọn ngôn từ, tôi lại nhớ chuyện xưa. Bản dịch ấy tôi dùng hai chữ “đế hương” và “xe mây”. Đế hương chỉ Tống triều, “xe mây” là một cách gọi cho đẹp lời thoát ý. Nhưng quê hương của Ngọc đế, vân xa của Vương mẫu, mấy ai biết đó cũng là một hình tượng chỉ sự ra đi của một kiếp người, gót hạc tiên du.
Dịch thơ, nó là một điều gì rất thách thức. Tôi không thích cái tư tưởng dịch là phản, traduttore – traditore mà người ta vẫn hay nói. Đối với tôi, đó chẳng qua là sự nhút nhát, cố gắng lấy nó để bào chữa cho sự không-hoàn-thiện-tất-yếu của một bản dịch. Vẫn biết một bản dịch không bao giờ có thể là hoàn hảo, là hình ảnh trung thực tuyệt đối của nguyên tác qua tấm gương ngôn ngữ, nhưng treo lơ lửng cái câu “traduire, c'est trahir” trước mặt mình, đó chính là một sự đè nén đối với sức sáng tạo và lòng khát khao đối mặt với thách thức của ngôn từ.
Nếu ai đó hỏi tôi, thần tượng (dùng tạm thôi, không có ý gì đâu, ha ha) của tôi trong dịch thuật là ai, tôi có thể trả lời, đó là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân. Ông, như lời Vương Trí Nhàn đề tựa bản dịch Nam Hoa kinh từng viết “là một dịch giả rất tự tin. Chỉ những con người đầy bản lĩnh mới dám chấp nhận những thách thức lớn”. Trong bản kê sách dịch của ông, có Ly tao, có Sử ký, có Nam Hoa kinh, có Hồng Lâu mộng, có Dưới mái Tây hiên. Cái hùng khí bất phàm của một con-người-dịch-thuật như ông làm tôi hâm mộ.
Mỗi một lần đặt bút dịch thơ, tôi không bao giờ dám miễn cưỡng mình. Có những bài thơ tôi từng hứa dịch cho người, hoặc hứa dịch cho mình từ một năm về trước, nhưng tôi vẫn chưa làm. Không phải vì không có thời gian, mà vì tôi chưa tìm cho mình được con đường vừa ý để thâm nhập vào thế giới ấy, và tôi đành chờ một dịp khác.
Dịch thơ, với tôi là một điều gì đó giống như “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Dịch thơ, bản thân nó không phải là một thứ phần mềm để có bản alpha, beta, Release Candidate 1 hoặc 2, không vừa ý với bản này thì viết ra bản khác. Đó là một cái gì đó thiêng liêng và đơn nhất, nó là sự thai nghén và bùng nổ của xúc cảm và trí tuệ, chợt đến chợt đi mà chính ta không nắm bắt và điều khiển được bao giờ.
Dịch thơ, nó là cơ hội để ta dung hòa mình trong thế giới của thi nhân, không còn là một kẻ đứng ngoài bàng quan thưởng thức, mà nói như Haracourt, ta “gieo gửi một chút mình” vào thế giới của người thơ, ta thấy mình phảng phất trong những dòng chữ huy hoàng “trăng không hận trăng thường khi tròn mãi, trời có tình trời hẳn cũng già thôi”…
Có khi tôi dịch thơ trong đêm khuya, lúc tĩnh lặng một mình, có khi tôi dịch thơ vào sáng sớm, len lén viết từng dòng trong giờ học ở trường. Có khi dịch tặng nàng, có khi nổi hứng học đòi Nguyễn Bính, có khi dịch giúp bạn bè. Cũng có khi đơn giản vì em chat lâu quá, tôi ngồi đợi em chẳng biết làm chi, ừ thì dịch vậy. Chính trong dịch thơ mà tôi đã biết thế nào là thần giao cách cảm, chính lúc ồn ào náo nhiệt lại là khi tôi viết ra những câu mà tôi cảm thấy mãn ý nhất từ trước tới giờ.
Dịch thơ, là một thế giới nơi bạn có thể cảm nhận đến cùng cực cái ma lực vô biên và cả cái bất lực tuyệt đối của ngôn từ. Có những khi bạn kinh hoàng vì chỉ cần đảo nửa câu thôi, chuyển một ý thôi là có sự nhịp nhàng tuyệt diệu. Có những khi bạn muốn điên đầu vì không sao tìm nổi một chữ để ép vần, đành chua chát gạt bỏ cả mấy câu vừa dịch để làm lại từ đầu. Logic chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả, những gì tồn tại chỉ là nhạc tính du dương và sự hài hòa câu chữ, mà ta chỉ có thể cảm nhận một cách vô hình.
Dịch thơ chữ Hán, nhất là Đường thi và Tống từ, nó là một sức ép trên ba chiều đổ lại: cái cô đọng tinh túy của một ngôn ngữ thường khi không có lấy một chữ thừa; cái hàn lâm cao quý tự nhiên tỏa ra trong từng lời thơ súc tích; cái hàm ngôn ẩn dụ của vô số điển tích mơ hồ. Tôi lang thang trên mạng một thời gian, được và bị đọc bản dịch của khá nhiều dịch giả, nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp. Có những bản dịch làm tôi choáng váng vì mức độ tài hoa, nếu không muốn nói là xuất thần của nó; nhưng cũng có những bản dịch làm tôi cảm thấy xót xa cho nguyên tác phải chịu một sự hành hạ nhường này. Có những bản dịch phá cách của những người bạn trạc tuổi tôi, ngây thơ mà khéo léo lạ thường; có những bản dịch của những bậc thức giả, tuân thủ nghiêm cẩn vận luật, nhưng không biết vì sao tôi lại thấy chúng có chút gì thô ráp đến đáng thương. Lại nhớ một câu nói ngày xưa “đường vào đạo có bốn vạn tám ngàn ngõ”, có lẽ dịch thơ cũng vậy chăng?
Hãy chọn cho mình một con đường riêng để đi… Hãy đọc, hãy hiểu, hãy đam mê, và hãy trân trọng, đó là những gì bạn cần có khi dịch một bài thơ.
Apr 19 2004
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment