Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi… (*)
Trường đoản cú (1). Thiếp ý quân tâm thuỳ đoản trường?
Cái tên này phải chăng tự nó đã nói lên rất nhiều? Trong suốt chiều dài hơn ba ngàn năm lịch sử, Từ có lẽ không phải là đứa con ưu tú nhất, nhưng lại là đứa con kỳ lạ nhất của văn học cổ điển Trung Hoa. Lý Thương Ẩn từng có một ý thơ hình như đã trở thành chân lý “Tịch dương vô hạn hảo, chỉ thị cận hoàng hôn” (2). Cái đẹp hoàn mỹ đến tiêu hồn của ánh tà huy chỉ xuất hiện giữa buổi tịch dương của một ngày sắp tắt. Và Từ đã ra đời chính trong một buổi hoàng hôn như thế - buổi hoàng hôn của một thời đại điêu tàn.
Tây phong tàn chiếu
Hán gia lăng khuyết (3)
Khi Thanh Liên trước tác Ức Tần Nga, có lẽ ông không hề nghĩ rằng khúc tiểu lệnh này sẽ là sự khởi đầu cho một dòng chảy u hoài kéo dài suốt mười hai thế kỷ… Cái không gian xao xác cô liêu của “Hàm Dương cổ đạo âm trần tuyệt” (4) đã trở thành nơi trú ngụ vĩnh hằng cho nỗi lòng Từ nhân qua rất nhiều thế hệ. “Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt” (5) của Liễu Vĩnh ba trăm năm sau, chẳng phải chính là dư ba nỗi buồn Lý Bạch ngày xưa đó sao?
Những điệu tiểu từ đầu tiên xuất hiện khi mà nhà Đường đã xa rồi cái thời thịnh trị, nhưng cũng chưa hẳn đã đến buổi tiêu vong. Nếu ví Từ như một người con gái thì thời đại của Thanh Liên, Lạc Thiên hay Phi Khanh đang là lúc cô bé thơ ngây mới ở tuổi biết buồn (6).
Phải đợi đến khi ngôi Tử Vi đế tinh của Từ - Nam Đường Hậu chủ Lý Dực bước lên tao đàn, loại hình nghệ thuật này mới hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của hai chữ thi dư, hoá thân thành một thiếu nữ trong hoa (7) yêu kiều diễm lệ. Định mệnh với những tao loạn vô biên của thời Ngũ đại đã khiến cho bờ mi nàng luôn thấp thoáng nét buồn mênh mang sầu hoài thương nữ…
Từ của Hậu chủ là tiếng khóc thê lương của loài chim đỗ vũ. Từ của Trung chủ là tâm sự bế tắc của kẻ ở ngôi cao nhưng mang tâm hồn ẩn sĩ. Từ của Vi Trang là sự run rẩy trước biết bao vật đổi sao dời. Từ của Lộc Kiền Ỷ là nỗi hờn vong quốc trong tim kẻ cựu thần. Từ của Cố Quýnh là nỗi hoài vọng về những ngày hoa lệ một đi không bao giờ trở lại… Mỗi Từ nhân ấy, mỗi con người ấy, họ mang trong lòng những tâm sự riêng, nhưng âm hưởng bi ai trong Từ của họ thì đã hoà quyện vào nhau, âm vang như tiếng thở dài của cả một thời ly loạn…
Sự biến Trần Kiều xảy ra, đặt dấu chấm hết cho nửa thế kỷ hoang tàn, hứa hẹn một thời kỳ thịnh trị sẽ đến với đất Trung Nguyên. Mấy ai ngờ rằng ngày Triệu Khuông Dẫn khoác long bào lên ngôi hoàng đế cuối cùng lại là sự mở đầu cho một triều đại vừa huy hoàng vừa ngập tràn bi kịch và mâu thuẫn.
Không huy hoàng sao được khi dưới thời Tống, từ văn học, lịch sử, triết học, chính trị cho tới các môn nghệ thuật đều có những danh nhân kiệt xuất. Sáu trong tám đại văn gia là người thời Tống. Sử gia duy nhất khả dĩ sánh được với Tư Mã Thiên, đồng thời cùng họ với ông – Tư Mã Quang, là người thời Tống. Vương An Thạch, nhân vật nổi danh với biến pháp cải cách đầy dũng cảm và táo bạo, cũng là người thời Tống. Không phải ngẫu nhiên mà triều đại của Tống Huy Tông lại là lúc thư pháp và hội hoạ đạt tới đỉnh cao với hàng trăm nghệ sĩ tài hoa thuộc nhiều tông phái…
Không bi kịch sao được khi chính vào thời kỳ huy hoàng ấy, người Hán lại hơn lúc nào hết ý thức được sự cay đắng của nhược tiểu và thất bại. Những thành tựu kia dù lớn lao đến mấy, cũng chẳng thể xoa dịu được nỗi nhục nhã ê chề khi Cao Tông dâng biểu xưng thần với vua Kim, khi Huy Tông và Khâm Tông bị cầm tù, khi một nửa giang san rơi vào tay dị tộc.
Không mâu thuẫn sao được khi giữa lúc tư tưởng xã hội bị ràng buộc và xiềng xích bởi những quy phạm nghiêm ngặt đến mức khắt khe, thậm chí bất cận nhân tình của Trình Hạo - Trình Di, lại là lúc tâm hồn lãng mạn công nhiên cất lên tiếng nói phóng túng, khoáng đạt và phá cách đến không ngờ.
Từ đã trưởng thành trong một môi trường như thế - đẹp và buồn. Đẹp muôn hình muôn vẻ, buồn muôn sắc muôn màu. Có lẽ vì thế nên bóng hình thiếu nữ năm nào đã không còn là hoá thân duy nhất của Từ như ngày xưa nữa. Nhân sinh nhất trường tuý, cơn say ấy có khi là người thiếu phụ cô đơn nhấp giọt u hoài trong ánh hoàng hôn , có khi là gã lãng tử dưới trăng nâng chén hỏi trời xanh , có khi là nước mắt tương tư của người lính già bạc đầu nơi biên tái … Những hình hài đa dạng ấy của Từ, kể làm sao cho xiết… [8]
Dưới thời Đường, sự ràng buộc giữa con người thơ ca và con người chính trị có đôi phần lỏng lẻo. Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, ba đại diện cho tiên, thánh và phật trong thơ đều là khách lãng du không gắn bó với công danh, hay nói đúng hơn, không có duyên với công danh. Những cá biệt như Hạ Tri Chương, Trương Cửu Linh cao cao tại thượng tuy có nhưng không nhiều (9). Người ta ít thấy bóng dáng chính trị hiện hữu trong phong cách sáng tác của họ, và trên thực tế họ cũng không phải là những tượng đài của một thời đại thi ca. Sang thời Tống thì khác, thi nhân – chính khách hai thái cực đó hình như đã dung hoà làm một. Vương An Thạch, Tô Thức, Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yêm, Tân Khí Tật, Nhạc Phi, hết thảy bọn họ vừa là danh gia vừa là danh thần. Phải chăng điều này đã khiến cho khí chất Tống thi phần nào khô khan và đầy triết lý, “tải đạo” nhiều hơn là “tuý khởi ngôn chí” như Lý Bạch năm nào? Sự lãng mạn của văn nhân đã âm thầm từ bỏ Thơ và tìm đến Từ như một không gian nằm ngoài hiện thực chính trị. Có thể nói rằng Lãng Mạn đã chọn Từ làm bến đỗ cho những cảm xúc riêng tư bất tận của tâm hồn thi sĩ...
Trong lịch sử Trung Hoa, thời hoàng kim của mỗi loại hình văn chương cổ điển luôn chỉ đến duy nhất một lần, và Từ cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi nhà Tống gục ngã dưới vó ngựa Bắc phương, Từ đã gieo mình vào quên lãng bằng một giấc ngủ triền miên để lẩn tránh thực tại tang thương. Chứng kiến sự thống trị của ba vương triều ngoại tộc – Liêu, Kim và Nguyên trên đất Thần Châu , nhiều danh sĩ đành ngậm ngùi chua xót chôn vùi biết bao hoài bão của mình dưới nấm mồ Ẩn Dật; và hình như Lãng Mạn đã được chôn theo như một món đồ tuỳ táng. Thế nhưng, giữa không gian bao la và u tối ấy vẫn thấp thoáng vài ngôi sao lấp lánh... và hơn thế nữa, còn có một vệt lưu tinh!
“Khi lưu tinh xuất hiện thì ngay cả những vì tinh tú được coi là vĩnh hằng bất biến cũng bị lu mờ” (10). Ánh sao băng ấy chính là Mô ngư nhi của Nguyên Hiếu Vấn...
Sau lần rực sáng hiếm hoi ấy, Từ lại lạnh lùng lưu lãng giữa thinh không trong nhiều thế kỷ. Tài hoa của mình đôi phu phụ Dương Thận – Hoàng Nga không đủ sức níu kéo cái linh khí u uyên đang chìm dần vào quá khứ, dù ngòi bút của Dụng Tu từng làm cuộn sóng cả Trường Giang. Từ đã phải đợi thêm gần hai trăm năm để tìm lại phần nào nét hào hoa ngày cũ với Dương Tiễn, Chiết Tây và Thường Châu ba tông phái của Thanh triều. Thế nhưng sự phục hưng muộn màng ấy, xét cho cùng cũng chỉ là cái bóng nhạt nhoà của Tống Từ vô hạn phong quang thuở trước... Có lẽ Nạp Lan Dung Nhược - người kế vị xứng đáng, đương nhiên và duy nhất của Nam Đường Hậu chủ - chính là Từ nhân cuối cùng đã hồi sinh nàng thiếu nữ trong hoa một lần sau chót, “một lần cho vĩnh biệt, một lần thôi mất nhau”...
Không uy nghi và đường bệ như Đường thi, được hết thảy nhân gian nâng niu và ca ngợi đến tột cùng, Từ luôn lặng lẽ giấu mình trong cơn say chất ngất dưới bóng hoàng hoa. Nét phong lưu kiều mị mê hồn ấy dường như chỉ hiển lộ dưới mắt kẻ hữu duyên trong một giấc mộng giai kỳ ngắn ngủi đến vô tình... Hãy một lần thử tìm đến với Từ, để biết đâu, giữa trùng trùng duyên khởi, bạn sẽ tìm được cho mình một tình yêu say đắm, như người viết đã từng yêu...
Giáp Thân niên, Mạnh đông nguyệt, Giáng Vân hiên Lam Thiên tuý tác
_____________________
Chú thích:
(*) Du Tử Lê.
(1) Đặc trưng của Từ là kết cấu gồm những câu dài ngắn không đều nhau, bởi vậy nên Từ còn có một tên gọi khác là “trường đoản cú”.
(2) 夕陽無限好、只是近黃昏 - Đăng Nhạc Du nguyên (登樂遊原), Lý Thương Ẩn.
(3) 西風殘照、漢家陵闕 - Ức Tần Nga (憶秦娥), Lý Bạch.
(4) 咸陽古道音塵絕 - Ức Tần Nga (憶秦娥), Lý Bạch.
(5) 楊柳岸、曉風殘月 - Vũ lâm linh (雨霖鈴), Liễu Vĩnh.
(6) Thanh Liên là hiệu của Lý Bạch, Lạc Thiên là tự của Bạch Cư Dị, Phi Khanh là tự của Ôn Đình Quân, ba người này đều là những Từ nhân sơ khởi thời Đường.
(7) Hoa gian – tên một Từ tập và Từ phái chủ lưu của thời Ngũ đại.
[8] Túy hoa âm, Lý Thanh Chiếu: Đông ly bả tửu hoàng hôn hậu… Liêm quyển tây phong, nhân tỉ hoàng hoa sấu (xem nguyên văn chữ Hán toàn bài ở phần giới thiệu Từ điệu).
Thuỷ điệu ca đầu, Tô Thức: Minh nguyệt kỷ thời hữu, bả tửu vấn thanh thiên (xem nguyên văn chữ Hán toàn bài ở phần giới thiệu Từ điệu).
Tô mạc già, Phạm Trọng Yêm: Tửu nhập sầu trường, hoá tác tương tư lệ (xem nguyên văn chữ Hán toàn bài ở phần giới thiệu Từ điệu).
(9) Hạ Tri Chương làm Lễ bộ thị lang, Trương Cửu Linh làm Tể tướng, đều là danh thần đời Khai Nguyên nhà Đường.
(10) Lưu tinh, Hồ điệp, Kiếm – Cổ Long.
Jan 25 2005
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment