18 August, 2005

Anh hùng - Cẩm tú Trung Hoa

Bàn về Anh hùng, dễ đấy mà khó đấy.

Dễ ở chỗ luận anh hùng là một chủ đề rất được yêu thích từ trước tới nay. Dễ ở chỗ anh hùng thật ra là cảnh giới mà biết bao con người bình thường muốn đạt tới, nhưng nhiều khi chính cảnh giới đó lại trú ngụ trong sự bình thường nhất của mỗi một con người. Vì thế cho nên ai cũng muốn bàn, ai cũng có thể bàn.

Khó ở chỗ Trương đã cố gắng (và phần nào đã thành công) trong việc thổi vào Anh hùng cái linh hồn của Trung Hoa xưa cũ, điều mà Từ Khắc đã từng làm và đã từng thành công trên một bình diện khác và bằng những phương pháp khác với Once upon a time in China - Trung Hoa một thuở.

Trước hết nói về cái tên. Khẳng định một điều: Người hùng - tên Thiên Ngân dịch và phát hành ở thị trường Việt Nam không phải là một cái tên chính xác, nếu không muốn nói là đã bóp méo chủ đề của tác phẩm. Chỉ có Anh hùng mới là cái nhan đề thực sự, đúng đắn và duy nhất. Vì sao? Vì Người hùng là một cá nhân, một con người cụ thể. Anh hùng của Trương không thế. Anh hùng của Trương là một khái niệm, và bộ phim của Trương cũng là một khái niệm, hay một tác phẩm của chủ nghĩa khái niệm (conceptualism).

Và lại là những cái tên. Vô Danh, Trường Không, Tàn Kiếm, Phi Tuyết, Như Nguyệt. Thật sự họ là ai? Họ không là ai cả! Không chỉ Vô Danh, mà tất thảy bọn họ đều là những con người vô danh. Hãy nhớ Ngọa hổ tàng long! Lý Mộ Bạch họ Lý tên Mộ Bạch, là cao thủ của Võ Đang, Du Tú Liên họ Du tên Tú Liên, là nữ hiệp của Nga Mi. Họ thật và họ tồn tại. Còn Tàn Kiếm, anh ta họ gì? Phi Tuyết, cô ta họ gì? Không có! Một thanh kiếm gãy, một đóa tuyết bay, tất thảy đều là sự ước lệ, tượng trưng và hư cấu. Trung Hoa có hẳn một cuốn sách chép họ trong thiên hạ (Bách gia tính), nhưng vì sao tất cả những người này đều không có họ? Vì căn bản họ không tồn tại với tư cách cá nhân, họ chỉ là những khái niệm mà thôi. Và tên của họ, bản thân nó đã nói lên rất nhiều điều. Điều này có lẽ đã được tái hiện trong Vô cực: Bắc cung hầu Vô Hoan, Khuynh Thành, Côn Lôn.

Chúng ta có câu chuyện màu đỏ, câu chuyện màu lam, câu chuyện màu trắng? Câu chuyện nào là thực, điều đó không quan trọng. Nhưng cái thực hiển hiện trong trong từng chi tiết của mỗi câu chuyện, dù thật hay giả, chính là những nét tiêu biểu và điển hình cho giá trị của một thời đại phong vân.

Vô Danh, anh ta là ai? Anh ta là hiện thân cho tinh thần hiệp khách Trung Hoa cổ đại. Vì sao anh ta lại là người Triệu, chứ không phải Hàn, Ngụy, Tề, Yên, Sở. Vì sao tuyệt chiêu của anh ta lại là giết người trong mười bước, mà không phải năm bước hay chín bước. Vì sao anh ta tên là Vô Danh? Vì Lý Bạch đã tạo nên cho văn học Trung Hoa một hình tượng như vậy, và Trương chỉ giản đơn kế thừa nó, hình tượng hóa nó bằng vai diễn của Lý Liên Kiệt.

Triệu khách mạn hồ anh (Người khách nước Triệu dải mũ phất phơ)
Ngô câu sương tuyết minh (Thanh kiếm ngô câu long lanh trong sương tuyết)
...
Thập bộ sát nhất nhân (Mười bước giết một người)
Thiên lý bất lưu hành (Không ra ngoài ngàn dặm)
...
Sự liễu phất y khứ (Xong việc rũ áo ra đi)
Thâm tàng thân dữ danh (Giấu kín tên tuổi thân phận của mình)

Đây là sáu câu trong bài Hiệp khách hành của Lý Bạch, cũng chính là tư liệu để Trương xây dựng nên Vô Danh. Anh ta chính là mẫu hiệp khách kinh điển của Trung Hoa. Họ là những con người bình phàm không tên tuổi, làm những chức nghiệp rất đỗi tầm thường, nhưng khi định mệnh gõ cửa ngôi nhà của họ, họ sẽ thoát thai hoán cốt và làm nên những việc kinh thiên động địa. Vô Danh là một đình trưởng của Tần. Nên nhớ Lưu Bang cũng đã từng là một đình trưởng của Tần.

Tần vương, ông ta là ai? Ông ta là hiện thân cho khát vọng nhất thống thiên hạ của Trung Hoa cổ đại. Khát vọng đó không phải chỉ của một mình Tần vương. Khát vọng đó là của Chu Văn Vương, của Ngũ bá, và trong chừng mực nào đó là của cả Khổng Tử, người chu du khắp thiên hạ để mong thực hiện cái đạo trị thiên hạ của nhà Chu mà ông cho là lý tưởng. Nhà nho chẳng có câu "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" đó sao. Với một đất nước mà lịch sử được viết bằng ngọn bút là thanh kiếm và mực là máu như Trung Hoa, cái đích cuối cùng của một kẻ nam tử hán chính là bình thiên hạ, hay chí ít là tham gia vào cái quá trình "bình thiên hạ" đó.

Và vì thế ông ta cô đơn. Cô đơn trong chính vương triều của mình, cũng như Khổng Tử trước ông ta mấy trăm năm đã cô đơn và bị ruồng rẫy ở khắp các nước chư hầu. Tàn Kiếm, Vô Danh, những tử địch của ông ta cũng là những tri kỷ duy nhất của ông ta. Hãy xem ông ta nhìn Vô Danh bằng con mắt đầy trân trọng như thế nào, nhưng cuối cùng cũng phải đành lòng ra lệnh cho tiễn thủ giương cung. Bản thân ông ta, con người quyền nghiêng trời đất ấy cũng chỉ là một kẻ nô lệ nhỏ nhoi của lý tưởng mà ông ta theo đuổi, ông ta giết Vô Danh vì cái ý chí nhất thống thiên hạ của cả một thời đại loạn ly ép buộc ông ta làm điều đó. Cái tiếng "Giết" của vô vàn văn võ trong Tần cung chính là tiếng đồng vọng của thời đại ấy. Không có một Tần vương ấy, sẽ có một Tề vương, một Sở vương như thế, đơn giản bởi họ là những thanh kiếm được hun đúc trong lò lửa chiến tranh suốt mấy trăm năm, và một khi thanh kiếm được luyện thành, nó sẽ phá tan lò lửa ấy, để đem lại một thời đại thái bình. Và cũng có thể khởi đầu cho một lò lửa mới.

Tàn Kiếm, anh ta là ai? Anh ta là hiện thân cho tinh thần kiêm ái của Trung Hoa cổ đại. Anh ta có lẽ là một môn đồ của Mặc tử, hay hiện đại hơn, một Lý Tầm Hoan của Cổ Long trong cái cách mà anh ta yêu, cách mà anh ta hy sinh, cách mà anh ta dâng hiến một cách bao dung và vô hối. Lương Triều Vỹ xưa nay vẫn vậy, cái cằm vị tha và khóe môi đầy cam chịu, rất thích hợp với hình ảnh đó. Cho dù là khi anh ta tiếp một kiếm của Phi Tuyết, khi anh ta dừng bước trước Tần vương hay khi anh ta lau đi giọt nước vương trên gò má tình nhân, thảy đều toát lên sự vị tha và si mê của một tâm hồn vĩ đại. Người ta thường nói, cảnh giới tối cao của kiếm đạo là nhân kiếm hợp nhất. Chính vì thế, khi mục đích của tay kiếm khách trong anh ta là hành thích Tần vương không còn nữa, con người này cũng như thanh kiếm của mình đã đã mất đi (hay đúng hơn là tự nguyện từ bỏ) sự sắc bén phong nhuệ, trở thành một thanh Tàn Kiếm.

Phi Tuyết, nàng ta là ai? Câu trả lời rất đỗi giản đơn. Nàng là một người đàn bà đích thực. Trong ba câu chuyện của chúng ta, Phi Tuyết đẹp nhất ở câu chuyện nào? Đương nhiên là câu chuyện màu đỏ, câu chuyện về một tình yêu tay ba, về ghen tuông, oán hận và báo thù; đó cũng chính là sân khấu thích hợp để nàng tỏa sáng. Nàng rất đỗi đàn bà, đàn bà đến cùng cực, bởi chính ở nàng mà ta nhìn thấy sự hiện diện của ái và hận, hai thứ tình cảm đáng sợ nhất, cao quý nhất và cũng đẹp đẽ nhất của nhân loại. Nàng yêu y và nàng đâm y một kiếm. Nàng hận y và nàng cũng đâm y một kiếm. Ôi, ái và hận trong lòng người phụ nữ, như hai con thú hoang vừa khiến người ta say mê lại vừa khiến người ta run sợ...

Trường Không, anh ta là ai? Anh ta cũng là một mẫu hiệp khách, nhưng khác với Vô Danh, anh ta tiêu biểu cho cái khí phái của một huyền thoại võ lâm thường thấy trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Bản đàn anh ta nghe, bàn cờ anh ta chơi, những giọt mưa trên mái hiên nơi anh ta trú ngụ, đấy là phong thái của ẩn giả. Không thèm hạ sát chiêu với bảy kiếm khách nước Tần, đấy là phong thái của nhất đại tôn sư. Hai tay xòe rộng mời gọi Vô Danh một cách đầy khinh mạn không cần nói bằng lời, đấy là phong thái của thế ngoại cao nhân...

Anh hùng là một bộ phim không có gì mới về mặt nội dung và ý tưởng, nhưng là nơi gặp gỡ và hội tụ những gì tinh túy nhất của Trung Hoa xưa cũ qua một ống kính máy quay đẹp đến mê hồn. Có lẽ ta nên coi tác phẩm này là một cuốn bách khoa thư bằng hình ảnh đầy cô đọng, nơi Trương Nghệ Mưu muốn tôn vinh những giá trị vĩnh cửu của một nền văn minh huy hoàng trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, muốn cảm được Anh hùng, người ta phải cảm được Trung Hoa.

No comments: