20 July, 2005

Đại giang đông khứ

Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu


Trường Giang! Trên bình nguyên Hoa Hạ có một dòng đại giang được đặt tên như vậy, nhưng đó không phải là con sông Trường Giang duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Hai ngàn năm trăm năm trước, đã có một Trường Giang khác cũng bắt đầu tuôn chảy… Nơi đầu nguồn của dòng sông ấy, có đôi chim thư cưu liền cánh cùng bay, có bờ cỏ kiêm gia xanh ngắt một màu, có nàng Trang Khương với sắc đẹp mê hồn… nơi đầu nguồn đó… có tên gọi “Kinh Thi”. Vào cái thuở ban đầu nguyên sơ ấy, dòng nước xanh nhẹ nhàng uốn lượn dưới tán rừng Ly Tao, khe khẽ hát lên những khúc Sở từ ngập tràn phong vị phương Nam... mơ màng và say đắm. Nhưng... rồi cũng đến lúc cõi trời đất nổi cơn gió bụi, và người ta đã vô tình lãng quên rằng trên đời này có một Trường Giang như thế…

…Bảy trăm năm đã trôi qua! Bảy trăm năm, một quãng thời gian quá dài đối với đời người… nhưng chỉ là thời niên thiếu đối với con nước êm đềm đang vươn mình cuộn sóng tới biển Đông. Giờ đây dòng sông đã tìm được cho mình một vị nữ thần, một khuôn mặt mỹ nhân ánh sắc hồng nắng sớm mà Tào Tử Kiến tôn vinh với hai tiếng “Lạc thần”. Từ đó, cỏ cây bắt đầu nở rộ khắp đôi bờ, điểm trang cho dải lụa vàng mềm mại kia biết bao kỳ trân dị bảo… những món đồ trang sức đơn sơ mà diễm lệ vô cùng. Này đây thấp thoáng sắc trắng thanh tao của màu hoa cúc, dưới tán liễu xanh mơ lung linh ánh nến huyền ảo của Ngọc Đài, và kia xa xa trong gió chơi vơi khúc u ca của rừng trúc thoáng men nồng…

…Trường Giang nay đã tròn ngàn tuổi, độ tuổi trưởng thành đầy khát khao và căng tràn sức sống. Một dòng chảy Phong Tao xưa giờ đã hoá thành trăm ngàn con sóng vạn sắc muôn màu, khi âm vang bi tráng, lúc uyển chuyển dịu dàng; chợt hào khí xông mây, lại mơ màng thủ thỉ; đương vui cười hớn hở, bỗng nuối tiếc u hoài… Hãy nghiêng đầu lắng nghe những âm thanh của đại giang hùng vĩ, bạn sẽ cảm thấy như bên tai mình đang vang tiếng phượng hoàng cao vút trên cửu thiên. Hãy nhìn qua Tây hiên tuyết trắng, trong mắt bạn sẽ phản chiếu hình bóng chiếc thuyền con neo đậu trong một mối tình quê da diết đến se lòng. Hãy thả mình theo dòng nước lững lờ, có thể bạn sẽ được nghe những bài kinh hiền hoà từ ái của chốn Thiền môn đang chế ngự độc long… nhưng biết đâu lại là tiếng Tỳ bà oán hờn chua xót vương vấn trong khóm sậy ven sông… Và sau chót, hãy ngước mắt lên nhìn vũ trụ bao la và đón nhận cái rùng mình ớn lạnh của không gian… khi đá nát non tan, trời rung đất chuyển và mưa thu ngưng đọng cõi vô thường…

Trừu đao đoạn thuỷ, thuỷ cánh lưu
Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu


Gió cứ thổi, nước cứ trôi… và thời gian thì chảy mãi đến vô cùng… Ba trăm năm của những huy hoàng tráng lệ chỉ còn là quá khứ. Tuổi hoa niên nay đã đi mãi không về, dòng sông đang lặng lẽ chuyển mình theo khúc quanh của những âm trầm hoài niệm. Đó đây trên mặt nước còn ẩn hiện sắc hồng huyết đỏ, và reo vang tiếng vó ngựa quay cuồng trên dãy núi Hạ Lan… nhưng đó chỉ là những phút bừng sôi thoáng chốc trong suốt hai thế kỷ tê tái đến se lòng. Biết bao người đã đứng bên bờ sông vắng, ngậm ngùi tưởng nhớ về những bóng giai nhân trên đài Đồng Tước, về cung đàn điêu luyện của Mỹ Chu lang… để thả trôi theo con sóng vô tình những đoá hoa tàn đẫm nước mắt tương tư… để ước mong một phút tương phùng trên đồi vắng, bên gốc thông già và dưới ánh trăng mơ…

Như vậy đấy… tự ngàn xưa dòng Trường Giang bí ẩn và quyến rũ của Cổ thi đã hoà vào trong biển cả văn chương Á Đông không bờ không bến. Sông lớn đã về đông, nhưng không hề đào tận những nhân vật phong lưu muôn thuở… mà sản sinh và lưu danh biết bao thi nhân văn tài trác tuyệt, bất hủ với ngàn đời… Nhắc đến cổ thi, đôi khi con người lầm tưởng như đang đối diện với một điều gì đó xa vời lắm, cao sang lắm… Nhưng không! Khi ta theo cánh buồm trên sóng biếc phiêu bồng, đôi khi chợt vô tình nhận thấy một cánh bèo của dòng nước quê hương, thoáng thấy vị ngọt ngào ở cửa sông cát vắng… Cổ thi xưa cũng vậy, sự gần gũi ngàn năm của chúng ta với nền văn học Trung Hoa đã khiến những dòng thơ trở thành những giọt mưa nguồn êm dịu thấm sâu vào lòng đất... mà những khi vô tình ta chẳng thể nhận ra… Một lời nói bâng quơ nơi góc quán cô liêu của người viễn khách: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, chợt gợi cho ai nhớ đến tâm tình Đỗ Phủ... Đôi câu Kiều “Dù cho sông cạn đá mòn. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”... mỗi khi ngân lên lại khiến lòng người bồi hồi rung động với Nghĩa Sơn... Biết chăng ai, trong gió lộng Tây hồ hôm đó, khi bạn bè nâng chén vui cười, khe khẽ ngâm “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch… Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”, thì khi ấy... trên trời cao, Trích Tiên đang lắng nghe và cất tiếng cười ung dung tiêu sái.

Hỡi người lữ hành xa lạ, mời bạn hãy cùng tôi tới thăm dòng Trường Giang kiêu sa mà thuần phác ấy, để cảm nhận mối tình xa xôi mà gần gũi... tình trong giây lát nay thành thiên thu mà dòng sông - cổ thi đã mang đến cho tôi, và biết đâu… cho cả bạn. Hãy theo thi nhân tới thăm gác Đằng vương, lầu Hoàng Hạc, dừng chân nơi quán Trúc Lý, bến Tầm Dương, hãy ngao du chốn Tam đảo Ngũ hồ cùng tao khách… Không gian ngàn xưa của thi ca đang yêu kiều chờ đón người thơ…

19 July, 2005

36 Quai de Orfèvres

Hôm nay buồn tình xem một bộ phim. Phim Pháp.

Hồi còn đi học, tôi hay đọc truyện trinh thám. Ngoài Sherlock Holmes quen thuộc, những nhân vật mà tôi ưa thích còn có Hercule Poirot, Ms. Marple của A. Christie và Maigret của Simenon. Trong số họ, ba người là thám tử tư. Duy nhất Maigret là một thanh tra cảnh sát.

Có lẽ Maigret chính là con người "thật" nhất và "đời" nhất trong số họ. Ba nhân vật còn lại đều giống nhau ở một điểm: tài năng trác tuyệt đi cùng với sự cô đơn. Phải chăng cái chức nghiệp của cuộc đời đã buộc họ phải cô đơn. Holmes chỉ có một mình, Poirot cũng vậy, và Ms. Marple cũng thế, mấy chục tuổi đầu vẫn được gọi bằng "cô".

Chỉ có Maigret là có một gia đình, dù là một gia đình không hoàn hảo (ông không có con). Tôi nhớ những giây phút Simenon tả Maigret và người vợ, những chăm chút nhỏ nhoi của bà dành cho ông lúc trời mưa nắng thất thường, nó thật là ôn nhu da diết. Chất tình cảm trong truyện của Simenon vì thế mà khác hẳn, và cũng hay hơn hẳn Doyle và Christie. Có lẽ vì Simenon là người Pháp chăng? Một thứ văn phong tinh tế, được trau chuốt tới từng chi tiết và đi sâu vào nội tâm. Giống như Maupassant hay Zola vậy?

Maigret là thanh tra cảnh sát của Paris, và vì thế ông làm việc ở Quai des Orfèvres. Mấy tiếng "Quai des Orfèvres" nó dường như đã trở thành một huyền thoại, sánh ngang với Scotland Yard, với Pinkerton Agency, nghĩa là mang đậm màu sắc cổ điển và tinh tế chứ không thô bạo máu lửa như kiểu LAPD, NYPD hay FBI. Bộ phim hôm nay mà tôi xem cũng vậy. 36 Quai des Orfèvres. Những mảnh đời cảnh sát. Cái tên ban đầu nó làm tôi mường tượng đến Maigret. Olivier Marchal trước khi làm diễn viên và đạo diễn, đã từng là một nhân viên cảnh sát, và đây cũng không phải bộ phim đầu tiên của ông về cảnh sát. Có lẽ vì thế mà 36 Quai des Orfèvres mang một phong cách rất riêng.

Bộ phim mở đầu bằng cảnh bữa tiệc chia tay một thanh tra - Eddy Valence. Món quà tặng thật là nghịch ngợm và dễ thương. Cảnh đám tang của Valence. Những giọt nước mắt của Titi. Nét mặt lạnh lùng đầy hy sinh và cam chịu của Vrink. Cái tình của những con người luôn sống cận kề cái chết trong thời bình, nó làm tôi cảm động.

Vai chính diện là của Daniel Auteuil, best actor của Cannes 96, và khá nhiều giải + đề cử César. Một tay cảnh sát đặc biệt. Hồi xưa xem Bao Thanh Thiên, tôi rất không thích ông ta ở chỗ thiết diện vô tư đến mức tuyệt tình. Chính vì thế mà tôi càng "chịu" cái phong cách của Léo Vrink. Chơi bời gần gũi với một tú bà về hưu, sẵn sàng vào tù để bảo vệ người chỉ điểm cho mình. Thủ đoạn như một tay giang hồ chính hiệu với mục đích là duy trì công lý, thứ công lý của riêng ông ta, một thứ công lý đầy nguyên thủy và rất nặng nhân tình. Cái "tà" trong một con người tưởng như phải rất "chính" ấy, nó làm tôi yêu thích.

Ít khi thấy Depardieu đóng vai phản diện. Depardieu làm tôi khóc khi xem Cyrano de Bergerac, làm tôi cười khi xem My father the Hero, và nhiều hơn thế nữa... Dạo này xem nhiều vai cảnh sát tha hóa quá, gần nhất là Duvall trong Assault on Precinct 13 (Gabriel Byrne), vậy mà vẫn phải rùng mình. Denis Klein là một tâm hồn bị bóp nghẹt bởi sự ghen tị, khát vọng quyền lực và có lẽ cả oán hận trong tình yêu. Đáng sợ làm sao, khi một viên cảnh sát không hề có sự phân biệt trong cách đối xử với đồng nghiệp và với tội phạm: không dung tha. Tai nạn của Camile, đó là sự trả thù Klein dành cho Vrink, hay giản đơn là sự hủy diệt một người đàn bà vĩnh viễn không bao giờ là của ông ta? Cái độc địa của Klein, nó làm tôi ghê sợ.

Những vai phụ khá dễ thương. Nhất là Titi, dám yêu dám hận cho đến những giây cuối cùng của cuộc đời mình. Nếu có một điều làm tôi cảm thấy chua chát nhất trong bộ phim này, đó sẽ không phải là cái chết của Eddy, không phải là cái chết của Camile, mà chính là số phận của Titi. Cũng phải thôi, dòng chảy khá bi kịch của điện ảnh Pháp thường là như thế.

Cũng may là kết cục của bộ phim phần nào làm tôi nhẹ nhõm, dù nó có vẻ hơi sắp đặt. Nhưng dẫu sao nó cũng đã thể hiện được một niềm tin, niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của cái Tốt.


July 18 2005

18 July, 2005

Trường đoản cú

Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi… (*)


Trường đoản cú (1). Thiếp ý quân tâm thuỳ đoản trường?

Cái tên này phải chăng tự nó đã nói lên rất nhiều? Trong suốt chiều dài hơn ba ngàn năm lịch sử, Từ có lẽ không phải là đứa con ưu tú nhất, nhưng lại là đứa con kỳ lạ nhất của văn học cổ điển Trung Hoa. Lý Thương Ẩn từng có một ý thơ hình như đã trở thành chân lý “Tịch dương vô hạn hảo, chỉ thị cận hoàng hôn” (2). Cái đẹp hoàn mỹ đến tiêu hồn của ánh tà huy chỉ xuất hiện giữa buổi tịch dương của một ngày sắp tắt. Và Từ đã ra đời chính trong một buổi hoàng hôn như thế - buổi hoàng hôn của một thời đại điêu tàn.

Tây phong tàn chiếu
Hán gia lăng khuyết
(3)

Khi Thanh Liên trước tác Ức Tần Nga, có lẽ ông không hề nghĩ rằng khúc tiểu lệnh này sẽ là sự khởi đầu cho một dòng chảy u hoài kéo dài suốt mười hai thế kỷ… Cái không gian xao xác cô liêu của “Hàm Dương cổ đạo âm trần tuyệt” (4) đã trở thành nơi trú ngụ vĩnh hằng cho nỗi lòng Từ nhân qua rất nhiều thế hệ. “Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt” (5) của Liễu Vĩnh ba trăm năm sau, chẳng phải chính là dư ba nỗi buồn Lý Bạch ngày xưa đó sao?

Những điệu tiểu từ đầu tiên xuất hiện khi mà nhà Đường đã xa rồi cái thời thịnh trị, nhưng cũng chưa hẳn đã đến buổi tiêu vong. Nếu ví Từ như một người con gái thì thời đại của Thanh Liên, Lạc Thiên hay Phi Khanh đang là lúc cô bé thơ ngây mới ở tuổi biết buồn (6).

Phải đợi đến khi ngôi Tử Vi đế tinh của Từ - Nam Đường Hậu chủ Lý Dực bước lên tao đàn, loại hình nghệ thuật này mới hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của hai chữ thi dư, hoá thân thành một thiếu nữ trong hoa (7) yêu kiều diễm lệ. Định mệnh với những tao loạn vô biên của thời Ngũ đại đã khiến cho bờ mi nàng luôn thấp thoáng nét buồn mênh mang sầu hoài thương nữ…

Từ của Hậu chủ là tiếng khóc thê lương của loài chim đỗ vũ. Từ của Trung chủ là tâm sự bế tắc của kẻ ở ngôi cao nhưng mang tâm hồn ẩn sĩ. Từ của Vi Trang là sự run rẩy trước biết bao vật đổi sao dời. Từ của Lộc Kiền Ỷ là nỗi hờn vong quốc trong tim kẻ cựu thần. Từ của Cố Quýnh là nỗi hoài vọng về những ngày hoa lệ một đi không bao giờ trở lại… Mỗi Từ nhân ấy, mỗi con người ấy, họ mang trong lòng những tâm sự riêng, nhưng âm hưởng bi ai trong Từ của họ thì đã hoà quyện vào nhau, âm vang như tiếng thở dài của cả một thời ly loạn…

Sự biến Trần Kiều xảy ra, đặt dấu chấm hết cho nửa thế kỷ hoang tàn, hứa hẹn một thời kỳ thịnh trị sẽ đến với đất Trung Nguyên. Mấy ai ngờ rằng ngày Triệu Khuông Dẫn khoác long bào lên ngôi hoàng đế cuối cùng lại là sự mở đầu cho một triều đại vừa huy hoàng vừa ngập tràn bi kịch và mâu thuẫn.

Không huy hoàng sao được khi dưới thời Tống, từ văn học, lịch sử, triết học, chính trị cho tới các môn nghệ thuật đều có những danh nhân kiệt xuất. Sáu trong tám đại văn gia là người thời Tống. Sử gia duy nhất khả dĩ sánh được với Tư Mã Thiên, đồng thời cùng họ với ông – Tư Mã Quang, là người thời Tống. Vương An Thạch, nhân vật nổi danh với biến pháp cải cách đầy dũng cảm và táo bạo, cũng là người thời Tống. Không phải ngẫu nhiên mà triều đại của Tống Huy Tông lại là lúc thư pháp và hội hoạ đạt tới đỉnh cao với hàng trăm nghệ sĩ tài hoa thuộc nhiều tông phái…

Không bi kịch sao được khi chính vào thời kỳ huy hoàng ấy, người Hán lại hơn lúc nào hết ý thức được sự cay đắng của nhược tiểu và thất bại. Những thành tựu kia dù lớn lao đến mấy, cũng chẳng thể xoa dịu được nỗi nhục nhã ê chề khi Cao Tông dâng biểu xưng thần với vua Kim, khi Huy Tông và Khâm Tông bị cầm tù, khi một nửa giang san rơi vào tay dị tộc.

Không mâu thuẫn sao được khi giữa lúc tư tưởng xã hội bị ràng buộc và xiềng xích bởi những quy phạm nghiêm ngặt đến mức khắt khe, thậm chí bất cận nhân tình của Trình Hạo - Trình Di, lại là lúc tâm hồn lãng mạn công nhiên cất lên tiếng nói phóng túng, khoáng đạt và phá cách đến không ngờ.

Từ đã trưởng thành trong một môi trường như thế - đẹp và buồn. Đẹp muôn hình muôn vẻ, buồn muôn sắc muôn màu. Có lẽ vì thế nên bóng hình thiếu nữ năm nào đã không còn là hoá thân duy nhất của Từ như ngày xưa nữa. Nhân sinh nhất trường tuý, cơn say ấy có khi là người thiếu phụ cô đơn nhấp giọt u hoài trong ánh hoàng hôn , có khi là gã lãng tử dưới trăng nâng chén hỏi trời xanh , có khi là nước mắt tương tư của người lính già bạc đầu nơi biên tái … Những hình hài đa dạng ấy của Từ, kể làm sao cho xiết… [8]

Dưới thời Đường, sự ràng buộc giữa con người thơ ca và con người chính trị có đôi phần lỏng lẻo. Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, ba đại diện cho tiên, thánh và phật trong thơ đều là khách lãng du không gắn bó với công danh, hay nói đúng hơn, không có duyên với công danh. Những cá biệt như Hạ Tri Chương, Trương Cửu Linh cao cao tại thượng tuy có nhưng không nhiều (9). Người ta ít thấy bóng dáng chính trị hiện hữu trong phong cách sáng tác của họ, và trên thực tế họ cũng không phải là những tượng đài của một thời đại thi ca. Sang thời Tống thì khác, thi nhân – chính khách hai thái cực đó hình như đã dung hoà làm một. Vương An Thạch, Tô Thức, Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yêm, Tân Khí Tật, Nhạc Phi, hết thảy bọn họ vừa là danh gia vừa là danh thần. Phải chăng điều này đã khiến cho khí chất Tống thi phần nào khô khan và đầy triết lý, “tải đạo” nhiều hơn là “tuý khởi ngôn chí” như Lý Bạch năm nào? Sự lãng mạn của văn nhân đã âm thầm từ bỏ Thơ và tìm đến Từ như một không gian nằm ngoài hiện thực chính trị. Có thể nói rằng Lãng Mạn đã chọn Từ làm bến đỗ cho những cảm xúc riêng tư bất tận của tâm hồn thi sĩ...

Trong lịch sử Trung Hoa, thời hoàng kim của mỗi loại hình văn chương cổ điển luôn chỉ đến duy nhất một lần, và Từ cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi nhà Tống gục ngã dưới vó ngựa Bắc phương, Từ đã gieo mình vào quên lãng bằng một giấc ngủ triền miên để lẩn tránh thực tại tang thương. Chứng kiến sự thống trị của ba vương triều ngoại tộc – Liêu, Kim và Nguyên trên đất Thần Châu , nhiều danh sĩ đành ngậm ngùi chua xót chôn vùi biết bao hoài bão của mình dưới nấm mồ Ẩn Dật; và hình như Lãng Mạn đã được chôn theo như một món đồ tuỳ táng. Thế nhưng, giữa không gian bao la và u tối ấy vẫn thấp thoáng vài ngôi sao lấp lánh... và hơn thế nữa, còn có một vệt lưu tinh!

“Khi lưu tinh xuất hiện thì ngay cả những vì tinh tú được coi là vĩnh hằng bất biến cũng bị lu mờ” (10). Ánh sao băng ấy chính là Mô ngư nhi của Nguyên Hiếu Vấn...

Sau lần rực sáng hiếm hoi ấy, Từ lại lạnh lùng lưu lãng giữa thinh không trong nhiều thế kỷ. Tài hoa của mình đôi phu phụ Dương Thận – Hoàng Nga không đủ sức níu kéo cái linh khí u uyên đang chìm dần vào quá khứ, dù ngòi bút của Dụng Tu từng làm cuộn sóng cả Trường Giang. Từ đã phải đợi thêm gần hai trăm năm để tìm lại phần nào nét hào hoa ngày cũ với Dương Tiễn, Chiết Tây và Thường Châu ba tông phái của Thanh triều. Thế nhưng sự phục hưng muộn màng ấy, xét cho cùng cũng chỉ là cái bóng nhạt nhoà của Tống Từ vô hạn phong quang thuở trước... Có lẽ Nạp Lan Dung Nhược - người kế vị xứng đáng, đương nhiên và duy nhất của Nam Đường Hậu chủ - chính là Từ nhân cuối cùng đã hồi sinh nàng thiếu nữ trong hoa một lần sau chót, “một lần cho vĩnh biệt, một lần thôi mất nhau”...

Không uy nghi và đường bệ như Đường thi, được hết thảy nhân gian nâng niu và ca ngợi đến tột cùng, Từ luôn lặng lẽ giấu mình trong cơn say chất ngất dưới bóng hoàng hoa. Nét phong lưu kiều mị mê hồn ấy dường như chỉ hiển lộ dưới mắt kẻ hữu duyên trong một giấc mộng giai kỳ ngắn ngủi đến vô tình... Hãy một lần thử tìm đến với Từ, để biết đâu, giữa trùng trùng duyên khởi, bạn sẽ tìm được cho mình một tình yêu say đắm, như người viết đã từng yêu...


Giáp Thân niên, Mạnh đông nguyệt, Giáng Vân hiên Lam Thiên tuý tác
_____________________

Chú thích:

(*) Du Tử Lê.

(1) Đặc trưng của Từ là kết cấu gồm những câu dài ngắn không đều nhau, bởi vậy nên Từ còn có một tên gọi khác là “trường đoản cú”.

(2) 夕陽無限好、只是近黃昏 - Đăng Nhạc Du nguyên (登樂遊原), Lý Thương Ẩn.
(3) 西風殘照、漢家陵闕 - Ức Tần Nga (憶秦娥), Lý Bạch.
(4) 咸陽古道音塵絕 - Ức Tần Nga (憶秦娥), Lý Bạch.
(5) 楊柳岸、曉風殘月 - Vũ lâm linh (雨霖鈴), Liễu Vĩnh.

(6) Thanh Liên là hiệu của Lý Bạch, Lạc Thiên là tự của Bạch Cư Dị, Phi Khanh là tự của Ôn Đình Quân, ba người này đều là những Từ nhân sơ khởi thời Đường.

(7) Hoa gian – tên một Từ tập và Từ phái chủ lưu của thời Ngũ đại.

[8] Túy hoa âm, Lý Thanh Chiếu: Đông ly bả tửu hoàng hôn hậu… Liêm quyển tây phong, nhân tỉ hoàng hoa sấu (xem nguyên văn chữ Hán toàn bài ở phần giới thiệu Từ điệu).

Thuỷ điệu ca đầu, Tô Thức: Minh nguyệt kỷ thời hữu, bả tửu vấn thanh thiên (xem nguyên văn chữ Hán toàn bài ở phần giới thiệu Từ điệu).

Tô mạc già, Phạm Trọng Yêm: Tửu nhập sầu trường, hoá tác tương tư lệ (xem nguyên văn chữ Hán toàn bài ở phần giới thiệu Từ điệu).

(9) Hạ Tri Chương làm Lễ bộ thị lang, Trương Cửu Linh làm Tể tướng, đều là danh thần đời Khai Nguyên nhà Đường.

(10) Lưu tinh, Hồ điệp, Kiếm – Cổ Long.


Jan 25 2005

17 July, 2005

Kinh Kha thích Tần vương

Quyền lực tuyệt đối và Sa đoạ tuyệt đối

Có lẽ nên nói một chút về nguyên nhân khiến tôi viết cái review này. Ngẫm ra kể cũng buồn cười. DVD của bộ phim này tôi mua đã khá lâu rồi, nhưng vì nhiều lý do mà chưa bao giờ có dịp xem cho trọn vẹn. Từ vài tuần nay, đài Hà Tây chiếu Cỗ máy thời gian, một series phim truyền hình được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết dã sử võ hiệp của Hoàng Dị nhan đề Tầm Tần ký. Tôi không thích bộ phim này cho lắm, nhưng nó lại là lý do khiến tôi lang thang đi tìm nguyên tác đọc chơi, vừa đúng lúc bản scan của bộ truyện này được đưa lên mạng - âu cũng là một cái duyên.

Đã lâu không đọc một bộ tiểu thuyết trường thiên nào, chính bản thân tôi cũng phải ngạc nhiên khi hơn 1600 trang Tầm Tần ký lại cuốn hút mình đến vậy. Câu chuyện giả tưởng này kể về Hạng Thiếu Long, một quân nhân của thế kỷ XXI bị máy thời gian đưa về quá khứ. Nhờ đó, anh ta được gặp gỡ, được yêu, được kết làm bằng hữu và trở thành tử địch của những nhân vật huyền thoại như Triệu Cơ, Vương Tiễn, Lý Mục, Lã Bất Vi... và cuối cùng trở thành người đóng vai trò quyết định đối với số phận của Trung Hoa sau hơn năm trăm năm chinh chiến cực kỳ tàn khốc. Bầu không khí hào hùng và khích liệt của bảy nước phân tranh trong Tầm Tần ký có lẽ đã giúp tôi tìm lại đôi chút hứng thú với một bi kịch lịch sử dường như đã trở thành bất hủ: "Kinh Kha thích Tần vương".
_________________________

1) Diễn viên

Điều đầu tiên nên làm bao giờ cũng là quảng cáo một chút về diễn viên. Những gương mặt hội tụ trong Kinh Kha thích Tần vương đều là những cái tên rất rất quen thuộc với khán giả Việt Nam yêu thích điện ảnh Trung Hoa. Vai nữ chính Triệu Cơ do Củng Lợi đảm trách, có lẽ không cần phải nói gì nhiều. Người đóng vai Doanh Chính là một gương mặt khá độc đáo - Lý Tuyết Kiện, từng thủ vai Tống Giang trong Thuỷ Hử. Trần Khải Ca tự mình đóng Lã Bất Vi, và thực tình mà nói ông diễn khá thành công. Tôi từng băn khoăn mãi về cái bĩu môi đầy khinh thị và ngạo nghễ của Kinh Kha mà không nhớ nổi đã gặp người này ở đâu, để mãi sau này mới chợt nhận ra anh là Trương Phong Nghị, người sánh vai với Trương Quốc Vinh trong Bá vương biệt Cơ.

Có bốn diễn viên, mà sự xuất hiện của họ sẽ đem lại cho chúng ta những bất ngờ thú vị. Thứ nhất là Châu Tấn, năm 99 cô còn rất trẻ, rất ngây thơ, và phải nói thật là cũng chưa nhiều quyến rũ, đóng vai cô con gái mù của người thợ rèn kiếm. Thứ hai là Đinh Hải Phong - Võ Tòng trong Thuỷ hử, thủ vai Tần Vũ Dương. Thứ ba là Triệu Bản Sơn (Happy Time - Trương Nghệ Mưu) trong vai Cao Tiệm Ly. Và cuối cùng là Vương Chí Văn - vị thầy giáo dạy nhạc trong Together (Cây vĩ cầm vàng), nhập vai Lao Ái.

2) Cốt truyện

Như thường lệ, một bi kịch chỉ đích thực là bi kịch khi có bóng hình người phụ nữ. Triệu Cơ xuất hiện với tư cách là người bạn thanh mai trúc mã của Tần vương những ngày còn lưu lạc làm con tin ở Triệu Quốc, và nàng đã theo Doanh Chính về Tần. Nàng yêu người tình nhân thuở thiếu thời hết mực và sẵn lòng hy sinh để thành toàn giấc mộng nhất thống thiên hạ của Doanh Chính - mà trong mắt nàng chính là vị quân vương lý tưởng của Trung Hoa thống nhất. Triệu Cơ dùng khổ nhục kế rời Tần sang Yên, theo thái tử Đan tìm người hành thích Tần vương. Một khi thích khách vào Tần, Doanh Chính được chuẩn bị trước sẽ thoát khỏi âm mưu ám sát, đồng thời danh chính ngôn thuận xuất binh tiêu diệt nước Yên, mở đầu chiến dịch thôn tính năm nước. Những ngày ở Yên, nàng gặp Kinh Kha và phần nào phát sinh hảo cảm với gã chức nghiệp sát thủ đang ăn năn vì tội lỗi của mình trong quá khứ, mặc dù vậy lòng nàng vẫn hướng về Doanh Chính. Nhưng ảo tưởng của Triệu Cơ đã hoàn toàn tan vỡ khi tận mắt chứng kiến y tận diệt Hàm Đan quê hương nàng. Yêu thương biến thành thù hận, Triệu Cơ gửi gắm tâm nguyện của mình cho Kinh Kha; và Kinh Kha đã ra đi, không phải vì thái tử Đan, mà vì nàng, vì thiên hạ.

3) Nhân vật

(*) Tần vương. Tôi nghĩ chắc Trần Khải Ca rất thích Tên độc tài của Charlie Chaplin. Thuỷ Hoàng đế của họ Trần không phải là một bá chủ uy phong gầm mây thét gió, mà là một người đàn ông nhỏ bé và đầy bi kịch. Và ngoài Lý Tuyết Kiện thì khó tìm được một người thứ hai xuất sắc đến vậy. Nhìn cái dáng tất tả của vua Tần vừa chạy vừa vấp ngã trên hành lang vắng lặng sau khi vừa chết hụt ở tẩm cung của Thái hậu mới thấy hết cái lẻ loi của con người này. Đoạn khởi đầu của bộ phim dường như đã hé lộ rằng chỉ khói bụi sa trường, chỉ chiến tranh sắt máu mới là nơi ông ta trở lại với chính mình.

Cả câu chuyện là sự chết dần chết mòn của "con người" trong Tần vương: ông ta ngày càng trở nên cô độc dưới cái thòng lọng của khát vọng quyền lực đang từ từ thắt chặt. Người đầu tiên lìa bỏ Doanh Chính là Yên Đan, bằng hữu một thời. Tiếp theo là Thái hậu, vì Lao Ái - đây có lẽ là đả kích lớn nhất mà Doanh Chính phải chịu đựng, và nó đã hoàn toàn làm thay đổi nhân cách của ông ta, biến con người này thành một bạo chúa thật sự. Người thứ ba là Lã Bất Vi, người-cha-không-thể-được-gọi-là-cha của Doanh Chính đáng thương. Lã Bất Vi tự tử tại Thái miếu, điều đó phủ thêm băng vào con tim chai đá và đổ thêm dầu vào tham vọng bá vương của vị hoàng đế tương lai. Thứ tư là Phàn Ư Kỳ, viên tuỳ tướng đến chết vẫn còn trung thành với Tần quốc; và sau chót là Triệu Cơ, niềm hy vọng, nguồn an ủi và chỗ dựa cuối cùng của ông ta. Lưỡi truỷ thủ Doanh Chính trao cho nàng lúc ra đi như kỷ vật của tình yêu thì giờ đây trở về như tín sứ của báo thù. Đoạn tuyệt với mẹ, không thể nhận cha, hành hình hai em, phản bội người yêu, đối đầu với bằng hữu, làm thất vọng trung thần - lục thân bất nhận có lẽ nào là cái giá phải trả để đạt thành bá nghiệp? Bộ phim kết thúc với hình ảnh Tần Thuỷ Hoàng thì thầm câu nói "Doanh Chính, ngươi có còn nhớ di ngôn nhất thống thiên hạ của liệt tổ liệt tông hay không?". Con Người đã chết, nhường chỗ cho Quyền Lực, đúng như lời Hạng Thiếu Long "quyền lực tuyệt đối sẽ khiến con người sa đoạ tuyệt đối".

(*) Kinh Kha. Motif sát thủ hoàn lương không còn là điều quá xa lạ trong điện ảnh, và xét một cách khách quan thì Trương Phong Nghị còn lâu mới vươn tới tầm của Jean Reno trong Leon the professional. Mặc dù vậy, hình tượng này đã vượt ra ngoài khuôn khổ lịch sử mà Tư Mã Thiên từng định hình trong Thích khách liệt truyện. Họ Trương thể hiện vai diễn của mình khá hay, nhưng đạt tới chỗ bất phàm thì chưa. Và công bằng mà nói đất diễn của anh cũng không rộng, bởi sự day dứt và dằn vặt trong tâm hồn Kinh Kha được Trần Khải Ca sử dụng những hồi tưởng đen-trắng để nhấn mạnh, nên bản thân diễn viên không cần thiết phải thể hiện nhiều. Tuy nhiên anh vẫn có một vài đoạn khiến tôi thực sự ấn tượng. Hình ảnh Kinh Kha khoanh tay, dựa cửa và lắng nghe Triệu Cơ thổ lộ sự thật với nụ cười mơ hồ trên môi, nó phảng phất nét gì đó vừa bao dung vừa thấu hiểu rất khó diễn tả.

Kinh Kha nhập Tần cung là một trường đoạn rất độc đáo, bởi cách hành xử của nhân vật vượt ra ngoài hình dung thường thấy. Kinh Kha đến Tần trong hoàn cảnh Tần vương đã được chuẩn bị trước, có chăng Doanh Chính chỉ không ngờ lưỡi dao kia không phải của Yên Đan mà của chính Triệu Cơ thôi, và Kinh Kha hoàn toàn biết điều đó. Để làm kẻ thù lơi lỏng đề phòng, Kinh Kha đã hoá thân thành một con người khác - một kẻ thôn dã lần đầu bước lên kim điện; nhưng ẩn tàng trong vẻ quê mùa là sự khôn ngoan và hùng khí bất phàm. Xem Kinh Kha cười phớ lớ và lon ton chạy qua cây cầu, tôi có cảm giác như đang xem già Lưu bước vào phủ Ninh - Vinh vậy. Có thể nói, Kinh Kha của Trần Khải Ca giống với Kinh Kha của Tư Mã Thiên ở chữ Dũng, nhưng đã vượt lên ở chữ Trí một cách bất ngờ.

(*) Triệu Cơ. Cũng như Trương Phong Nghị, Củng Lợi đã làm tròn vai diễn của mình, nhưng không thật sự xuất sắc. Triệu Cơ là một tâm hồn quảng đại, nàng giống một hiệp khách của Triệu quốc hơn là một thiếu nữ Triệu quốc, giống trong cách nàng yêu thương, nàng cảm thông, nàng hy sinh và nàng căm hận. Nhưng tôi thích nhất nàng ở sự ngây thơ, vì dù có vĩ đại đến mấy thì một người con gái đang yêu vẫn thật là ngây thơ hết mực. Dáng vẻ của nàng khi sắp bị đóng dấu (!!!), và cả câu nói của nàng nữa "Đừng làm bẩn quần áo của ta", thực đáng yêu biết mấy.

(*) Các nhân vật khác. Thiết nghĩ nói như vậy cũng đã là khá nhiều, nhưng cũng nên nói thêm một chút về những vai phụ. Lao Ái được hoá trang rất chuẩn, vừa có nét đàn ông (thật), vừa có nét thái giám (giả), và biểu hiện cũng rất đạt. Mặc dù vai diễn của Châu Tấn ngắn nhưng cô không khó khăn gì để tìm được sự xót xa từ phía người xem, tôi cũng phải thú thật là tiếng thét của cô gái mù khi đâm lưỡi kiếm ra đã làm tôi giật mình. Phàn Ư Kỳ là một người lính già trung thành hết mực, nhưng trước khi là một người lính, ông ta là một con người, và con người ấy đã vì Thiên Hạ mà gạt bỏ Đại Tần.

4) Tình huống

Phim Tàu thì bao giờ cũng chú trọng vào thủ pháp biểu đạt cực kỳ hàm súc, và đây có thể nói là sở trường của Trần Khải Ca. Tôi liệt kê ra vài điểm nhấn, nhưng sẽ không phân tích gì nhiều, vì khó mà nói hết bằng lời.

+ Đoạn Tần vương đang ngồi ăn ở cung Thái hậu thì thằng bé con của Lao Ái chạy vào gọi "bố ơi", có thể nói là đặc biệt kịch tính.
+ Quả bóng gỗ của Lã Bất Vi từ từ lăn về phía Doanh Chính.
+ Triệu Cơ vấp phải cái trống. Chi tiết này, theo tôi đánh giá là xuất sắc nhất trong cả bộ phim. Đạo diễn dùng các tình tiết liên tiếp nhằm mục đích "tích luỹ" cảm xúc cho khán giả trước khi cho phép nó bùng nổ, từ cảnh chú bé cầm trống trên thành, cảnh Doanh Chính nhặt cái trống, đưa cho đứa nhỏ, rồi vừa đi vừa ngơ ngẩn lắc (đến thời điểm này "vai trò" của cái trống vẫn là một bí ẩn). Phải đợi đến khi Triệu Cơ tất tả chạy vào Hàm Đan, máy quay dõi theo bước chạy, và đột nhiên một âm thanh như nảy lên từ mặt đất, và nảy lên theo nó là trái tim của người xem. Nhưng bàn tay xanh nhợt nắm chặt lấy cái trống mới là đòn đánh trí mạng! Dù chúng ta đã biết trước kết cục từ khi Doanh Chính rời Hàm Đan, nhưng không ai ngờ là câu trả lời có thể tàn nhẫn đến cực điểm như vậy.

Mặc dù vậy, bộ phim vẫn có hai điểm khiến tôi thất vọng. Thứ nhất, Cao Tiệm Ly quá mờ nhạt, lý ra vai trò của người nhạc sư này có thể nổi bật hơn và khác hơn việc chỉ xuất hiện như một anh phẫu thuật viên và đến đấy là hết. Thứ hai, cảnh chia ly trên sông Dịch quá giản đơn nếu không nói là quá chán. "Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn". Lẽ ra Dịch thủy tống biệt phải được quan tâm hơn, và phải dramatic hơn thế nhiều lắm.

Có hai điều, rất có thể một số bạn sẽ thắc mắc: (1) Có một thằng cha mặt nhợt nhạt suốt ngày gào "Doanh Chính, nhà ngươi có nhớ...", what is it for? (2) Tại sao không phải là treo cổ, không phải là đốt chết, không phải là chặt đầu, mà lại là chôn sống?

Theo tôi, đó là sự chủ định tái hiện hai chi tiết lịch sử của Trần Khải Ca. Câu Tiễn khi nằm gai nếm mật báo thù, thường sai người hầu đứng ở dọc đường đi, trỏ vào mặt mình mà nói "Câu Tiễn, mày còn nhớ cái nhục ở Cối Kê không". Với Câu Tiễn đó là ám ảnh của báo thù, còn với Doanh Chính đó là ám ảnh của khát vọng bá chủ. Còn vì sao lại là chôn sống? Đơn giản bởi đây là điều mà trước đó vài chục năm Bạch Khởi đã làm với bốn mươi vạn quân Triệu ở Trường Bình. Và đó chính là sự tinh tế của một đạo diễn bậc thầy.


Jan 16 2005

16 July, 2005

Thập diện mai phục

Nói một chút về riêng cái tiêu đề.

Sau khi đi xem bộ phim này về, có khá nhiều người chê. Chê vì thật sự không thấy hay. Chê vì thấy thằng khác cũng chê, mình mà khen thì thành dở hơi. Chê để chứng tỏ một con mắt thẩm mỹ khắt khe. Thôi thì đủ kiểu! Có lẽ người ta vẫn còn bị ám ảnh bởi Anh hùng quá nhiều, nên đa phần phán một câu xanh rờn "kém xa Anh hùng về mọi mặt", cá biệt có người còn nói rằng nó kém xa cả Ngọa hổ tàng long - kể cũng hơi buồn cười. Anh hùng, đây là một đề tài gợi nhiều hứng thú - không phải ngẫu nhiên mà những topic luận về Anh hùng thường là rất hot ở Vietkiem, cũng không phải ngẫu nhiên mà những anh hùng ca như Iliad, Odyssey hay Mahabharata sống mãi đến này ngày nay. Có lẽ cũng vì vậy mà người ta "cảm" Anh hùng dễ hơn.

Thất vọng có lẽ cũng từ cái tiêu đề phim mà ra, có phải ai đi xem cũng nghĩ là được thưởng thức những cảnh hoành tráng binh lính ngút ngàn nhưng thực tế thì... đi xem thì biết...


Đây là một trong những lời phê bình điển hình mà chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu khi người ta nhắc đến bộ phim này.

Bởi vậy có lẽ nên nói thẳng ngay từ câu đầu tiên: Ai đi xem Thập diện mai phục với tâm lý chuẩn bị thưởng thức một Troy mang màu sắc phương Đông, nghĩa là biển kiếm rừng đao và âm mưu kinh thiên động địa thì quá sai lầm và ấu trĩ.

Trong một hồi nào đó của Lộc đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo từng nhắc tên một trong những vở kinh kịch nổi danh của Trung Quốc có nhan đề "Thập diện mai phục, Hạng Vũ biệt Ngu Cơ". Từ cái tiêu đề này có thể dễ dàng nhận thấy tâm điểm của vở kịch không nằm trong cái hào hùng của trận đánh trên Ô giang, mà lại là cuộc chia ly nhuốm màu tang tóc của Tây Sở bá vương và người ái thiếp. Bởi thế ai trông chờ Thập diện mai phục là hoành tráng, là âm mưu, là máu lửa, tất thảy đều sai lầm. Bộ phim có âm mưu đấy, nhưng cái âm mưu của một Phi đao môn nhỏ bé có là gì so với con ngựa gỗ truyền kỳ của quân Hy Lạp. Bộ phim có đao kiếm đấy, nhưng cái bóng phi đao ấy dù có quỷ dị đi nữa cũng không sánh được với ngọn lao của Achilles về vẻ thần thánh và siêu nhiên đầy sức mạnh. Những cái đó, họ Trương đơn giản dùng nó như một thứ decors cho ý tưởng của mình, vậy thôi.

Thâp diện mai phục, bốn chữ này đồng nghĩa với "bi kịch tình yêu không lối thoát" - a dilemma of love. Cái chết của Tiểu Muội từ góc nhìn nào đó chính là sự lặp lại cái chết của Ngu Cơ. Ngàn năm trước, có một cô gái từng "đến bên chàng, cao tuốt lưỡi gươm xanh, và tự ải" với hy vọng rằng người mình yêu thương sẽ mãi ngẩng cao đầu. Ngàn năm sau, lại có một người con gái rút trong tim mình ngọn phi đao để bảo trì sinh mạng của tình lang với tâm niệm rằng "chàng phải sống"...


Oct 26 2004

15 July, 2005

Thần thoại - Tình thoại

神話情話
曲名:神話 情話
唱:周華健 齊豫
詞:林夕
曲:周華健
編曲:洪敬堯

合:愛是愉快是難過是陶醉是情緒
或在日後視作傳奇
愛是盟約是習慣是時間是白髮
也叫你我乍驚乍喜
完全遺忘自己
竟可相許生與死
來日誰來問起
天高風急雙雙遠飛

愛是微笑是狂笑是傻笑是玩笑
或是為著害怕寂寥
愛是何價是何故在何世又何以
對這世界雪中送火

誰還祈求什麼
可歌可泣的結果
誰能承受後果
翻天覆海不枉最初

呀呀……
有你有我雪中送火

男:愛在迷迷糊糊 磐古初開便開始
這浪浪漫漫舊故事

女:愛在朦朦朧朧前生今生和他生
怕錯過了也不會知

男:跌落茫茫紅塵南北西東亦相依
怕獨自活著沒意義

女:愛是來來回回情絲一絲又一絲

合:至你與我至生永不闊別時

Hợp: Ái thị du khoái, thị nan quá, thị đào tuý, thị tình tự
Hoặc tại nhật hậu thị tác truyền kỳ
Ái thị minh ước, thị tập quán, thị thời gian, thị bạch phát
Dã khiếu nễ ngã sạ kinh sạ hỉ
Hoàn toàn di vong tự kỷ
Cánh khả tương hứa sinh dữ tử
Lai nhật thùy lai vấn khởi
Thiên cao phong cấp song song viễn phi

Ái thị vi tiếu, thị cuồng tiếu, thị sỏa tiếu, thị ngoạn tiếu
Hoặc thị vi trứ hại phạ tịch liêu
Ái thị hà giá thị hà cố tại hà thế hựu hà dĩ
Đối giá thế giới tuyết trung tống hoả

Thùy hoàn kỳ cầu thập ma
Khả ca khả khấp đích kết quả
Thùy năng thừa thụ hậu quả
Phiên thiên phúc hải bất uổng tối sơ

Nha nha…
Hữu nễ hữu ngã tuyết trung tống hoả

Nam: Ái tại mê mê hồ hồ Bàn Cổ sơ khai tiện khai thủy
Giá lãng lãng mạn mạn cựu cố sự

Nữ: Ái tại mông mông lung lung, tiền sinh kim sinh hoà tha sinh
Phạ thác quá liễu dã bất hội tri

Nam: Điệt lạc mang mang hồng trần nam bắc tây đông diệc tương y
Phạ độc tự hoạt trứ một ý nghĩa

Nữ: Ái thị lai lai hồi hồi tình ti nhất ti hữu nhất ti

Hợp: Chí nễ dữ ngã chí sinh vĩnh bất khoát biệt thì
____________________

Nhan đề:Thần thoại - Tình thoại
Trình bày: Châu Hoa Kiện, Tề Dự
Lời: Lâm Tịch
Nhạc: Châu Hoa Kiện
Biên khúc: Hồng Kính Nghiêu

Hợp ca: Yêu, là hân hoan vui sướng, là gian khó cực cùng
là mê đắm nồng nàn, là tơ tình muôn mối
Cũng là để ngày sau viết nên câu chuyện truyền kỳ
Yêu, là thề non hẹn biển, là bén tiếng quen hơi
là mãi mãi thời gian, là mái đầu bạc trắng

Khiến ta và em chợt hoảng hốt, chợt vui mừng
Phải hoàn toàn quên lãng bản thân mình
Mới có thể cùng nhau nói lời thề sinh tử
Để ngày sau ai là người mãi hỏi
Về đôi tình lữ giữa trời cao gió lộng chắp cánh cùng bay

Yêu, là cười êm dịu, là cười cuồng điên
là cười ngẩn ngơ, là cười ngạo nghễ
Nhưng cũng là run rẩy trước nỗi cô đơn
Yêu, có giá trị gì, vì lý do gì, ở thế giới nào, yêu bởi vì sao
Là giữa cõi đời này thắp lên ngọn lửa trong băng tuyết

Ai có thể mong chờ sự vẹn toàn
Của một kết cục có thể khiến ta cười, cũng có thể làm ta khóc
Ai có thể gánh chịu hậu quả
Của buổi ban đầu chọc trời khuấy nước ấy

Haaaa… haaa…
Chỉ cần có em và có ta, thắp lên ngọn lửa trong băng tuyết

Nam: Yêu em từ lúc mơ mơ hồ hồ thuở Bàn Cổ sơ khai khởi thủy
Câu chuyện lãng mạn của ngày xưa ấy

Nữ: Yêu chàng giữa chốn mông lung của kiếp trước, kiếp này và đến cả kiếp sau
Chỉ sợ rằng bỏ lỡ cơ hội mà không biết

Nam: Lưu lạc giữa hồng trần bát ngát
dù đông tây nam bắc ta vẫn kề sát vai nhau
Có ý nghĩa gì nữa đâu nếu chỉ còn lại một mình

Nữ: Yêu là mối tơ tình quấn quýt lại qua, hết sợi này đến sợi khác

Hợp ca: Cho người và ta kiếp này vĩnh viễn không biết đến biệt ly…


Oct 9 2004

14 July, 2005

Dịch thơ

Tôi không biết mình viết bài này để kỷ niệm điều gì. Nhưng tự nhiên cảm thấy muốn viết một chút, nhân chuyện dịch xong bài Mô ngư nhi của Nguyên Hiếu Vấn. Và có lẽ cũng để tri ân anh, một dịch giả mà tất cả những người yêu Kim Dung, cũng như tôi, đều muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất, vì Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên Long bát bộ, và vì anh là người đã đem đến cho tôi sự tự tin trong dịch thuật.

Một ngày nào đó cách đây hai năm, tôi ngồi đọc bài từ của Khuông Việt – bài Nguyễn lang quy tiễn Lý Giác về Tống, và ngẫu nhiên có ý tưởng khá ngông cuồng là dịch nó thành thơ. Cái bước chân non nớt đầu tiên ấy đã nhận được sự khích lệ khéo léo của anh: “bản dịch của em hay hơn bản của Ngô Tất Tố”.

Tôi biết anh là một người rất khách quan; bởi thế cho nên lời ngợi khen ngắn ngủi ấy của anh đã khơi dậy được sự tự tin và niềm kiêu hãnh của một cậu bé mới chập chững bước chân vào thi đạo như tôi. So sánh mình và một danh gia trong giới dịch thuật Việt Nam? Tôi dù có kiêu ngạo đến đâu cũng không dám vọng tưởng điều ấy. Nhưng biết đâu, trong một phút ngẫu hứng bất ngờ, với một bài thơ mà riêng mình yêu thích, tôi có thể miễn cưỡng sánh ngang với tiền nhân?

Như thế là đủ, đủ để tôi thấy rằng thi ca không phải là toán học, không phải chỉ có một đáp án duy nhất cho một phương trình, và cái bóng của những Tản Đà, những Khương Hữu Dụng, những Nam Trân không phải là vĩnh cửu.

Vậy là đã hai năm, kể từ ngày tôi đặt bút dịch bài thơ đầu tiên. Có thể anh không nhận ra, có thể anh nhận ra mà không nói, nhưng tôi tự biết mình đã phạm hai sai lầm trong bài thơ ấy. Có lẽ chỉ mình tôi nhớ, có lẽ chỉ mình tôi hiểu, có lẽ trong mười người đọc không có lấy một người lưu ý, nhưng điều quan trọng hơn cả là tôi vẫn nhớ rằng mình đã sai lầm. Hôm nay, khi viết cho anh những dòng chia buồn và bối rối lựa chọn ngôn từ, tôi lại nhớ chuyện xưa. Bản dịch ấy tôi dùng hai chữ “đế hương” và “xe mây”. Đế hương chỉ Tống triều, “xe mây” là một cách gọi cho đẹp lời thoát ý. Nhưng quê hương của Ngọc đế, vân xa của Vương mẫu, mấy ai biết đó cũng là một hình tượng chỉ sự ra đi của một kiếp người, gót hạc tiên du.

Dịch thơ, nó là một điều gì rất thách thức. Tôi không thích cái tư tưởng dịch là phản, traduttore – traditore mà người ta vẫn hay nói. Đối với tôi, đó chẳng qua là sự nhút nhát, cố gắng lấy nó để bào chữa cho sự không-hoàn-thiện-tất-yếu của một bản dịch. Vẫn biết một bản dịch không bao giờ có thể là hoàn hảo, là hình ảnh trung thực tuyệt đối của nguyên tác qua tấm gương ngôn ngữ, nhưng treo lơ lửng cái câu “traduire, c'est trahir” trước mặt mình, đó chính là một sự đè nén đối với sức sáng tạo và lòng khát khao đối mặt với thách thức của ngôn từ.

Nếu ai đó hỏi tôi, thần tượng (dùng tạm thôi, không có ý gì đâu, ha ha) của tôi trong dịch thuật là ai, tôi có thể trả lời, đó là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân. Ông, như lời Vương Trí Nhàn đề tựa bản dịch Nam Hoa kinh từng viết “là một dịch giả rất tự tin. Chỉ những con người đầy bản lĩnh mới dám chấp nhận những thách thức lớn”. Trong bản kê sách dịch của ông, có Ly tao, có Sử ký, có Nam Hoa kinh, có Hồng Lâu mộng, có Dưới mái Tây hiên. Cái hùng khí bất phàm của một con-người-dịch-thuật như ông làm tôi hâm mộ.

Mỗi một lần đặt bút dịch thơ, tôi không bao giờ dám miễn cưỡng mình. Có những bài thơ tôi từng hứa dịch cho người, hoặc hứa dịch cho mình từ một năm về trước, nhưng tôi vẫn chưa làm. Không phải vì không có thời gian, mà vì tôi chưa tìm cho mình được con đường vừa ý để thâm nhập vào thế giới ấy, và tôi đành chờ một dịp khác.

Dịch thơ, với tôi là một điều gì đó giống như “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Dịch thơ, bản thân nó không phải là một thứ phần mềm để có bản alpha, beta, Release Candidate 1 hoặc 2, không vừa ý với bản này thì viết ra bản khác. Đó là một cái gì đó thiêng liêng và đơn nhất, nó là sự thai nghén và bùng nổ của xúc cảm và trí tuệ, chợt đến chợt đi mà chính ta không nắm bắt và điều khiển được bao giờ.

Dịch thơ, nó là cơ hội để ta dung hòa mình trong thế giới của thi nhân, không còn là một kẻ đứng ngoài bàng quan thưởng thức, mà nói như Haracourt, ta “gieo gửi một chút mình” vào thế giới của người thơ, ta thấy mình phảng phất trong những dòng chữ huy hoàng “trăng không hận trăng thường khi tròn mãi, trời có tình trời hẳn cũng già thôi”…

Có khi tôi dịch thơ trong đêm khuya, lúc tĩnh lặng một mình, có khi tôi dịch thơ vào sáng sớm, len lén viết từng dòng trong giờ học ở trường. Có khi dịch tặng nàng, có khi nổi hứng học đòi Nguyễn Bính, có khi dịch giúp bạn bè. Cũng có khi đơn giản vì em chat lâu quá, tôi ngồi đợi em chẳng biết làm chi, ừ thì dịch vậy. Chính trong dịch thơ mà tôi đã biết thế nào là thần giao cách cảm, chính lúc ồn ào náo nhiệt lại là khi tôi viết ra những câu mà tôi cảm thấy mãn ý nhất từ trước tới giờ.

Dịch thơ, là một thế giới nơi bạn có thể cảm nhận đến cùng cực cái ma lực vô biên và cả cái bất lực tuyệt đối của ngôn từ. Có những khi bạn kinh hoàng vì chỉ cần đảo nửa câu thôi, chuyển một ý thôi là có sự nhịp nhàng tuyệt diệu. Có những khi bạn muốn điên đầu vì không sao tìm nổi một chữ để ép vần, đành chua chát gạt bỏ cả mấy câu vừa dịch để làm lại từ đầu. Logic chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả, những gì tồn tại chỉ là nhạc tính du dương và sự hài hòa câu chữ, mà ta chỉ có thể cảm nhận một cách vô hình.

Dịch thơ chữ Hán, nhất là Đường thi và Tống từ, nó là một sức ép trên ba chiều đổ lại: cái cô đọng tinh túy của một ngôn ngữ thường khi không có lấy một chữ thừa; cái hàn lâm cao quý tự nhiên tỏa ra trong từng lời thơ súc tích; cái hàm ngôn ẩn dụ của vô số điển tích mơ hồ. Tôi lang thang trên mạng một thời gian, được và bị đọc bản dịch của khá nhiều dịch giả, nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp. Có những bản dịch làm tôi choáng váng vì mức độ tài hoa, nếu không muốn nói là xuất thần của nó; nhưng cũng có những bản dịch làm tôi cảm thấy xót xa cho nguyên tác phải chịu một sự hành hạ nhường này. Có những bản dịch phá cách của những người bạn trạc tuổi tôi, ngây thơ mà khéo léo lạ thường; có những bản dịch của những bậc thức giả, tuân thủ nghiêm cẩn vận luật, nhưng không biết vì sao tôi lại thấy chúng có chút gì thô ráp đến đáng thương. Lại nhớ một câu nói ngày xưa “đường vào đạo có bốn vạn tám ngàn ngõ”, có lẽ dịch thơ cũng vậy chăng?

Hãy chọn cho mình một con đường riêng để đi… Hãy đọc, hãy hiểu, hãy đam mê, và hãy trân trọng, đó là những gì bạn cần có khi dịch một bài thơ.


Apr 19 2004

Lục Ngạc ai từ

Khúc ai điếu cho đài hoa màu biếc

Nhân gian tự hữu hoa như vũ
Thiếp thị hoa trung đệ kỷ nhân


Định mệnh chăng, khi tên nàng là Lục Ngạc? Một đài hoa mong manh hiền dịu, phong kín mối u tình mới chớm đưa hương, hiến dâng đời mình để nâng niu cái đẹp của muôn hoa nơi trần thế. Trong vạn kẻ yêu hoa, có bao người nhớ tới đài hoa bé bỏng u buồn có tên là Lục Ngạc…

Từ nhỏ nàng đã thiếu đi hơi ấm tình thương của mẹ, sống trong vòng kiềm tỏa khắc nghiệt của cha. Lạ xiết bao khi song thân nàng, kẻ lòng lang dạ sói, kẻ khắc nghiệt vô tình, nhưng dòng máu trong huyết quản nàng lại rạo rực thương yêu. Phải chăng ái tình cao quý của loài người, sau năm trăm năm khép mình khắc kỷ ở chốn hoang sơn đã ngưng tụ lại trong con tim thanh khiết đó?

Lòng hoài mong một tình yêu vô vọng, mắt chứng kiến cảnh phụ mẫu tương tàn, nhưng đài hoa xanh biếc ấy đã giã biệt trần gian với nụ cười mãn nguyện trong tiếng gọi “Dương lang”.

Nàng khác gì Mỵ Châu ngày nọ, phản bội cha vì tình nhân thâm ái. Nàng khác gì Văn Quân thuở trước, gạt gia quy hát khúc Phượng cầu hoàng... Màu dại khờ của lông ngỗng năm xưa vĩnh viễn không sánh nổi sắc biếc xanh của dòng máu đa tình nơi u cốc. Nhưng để làm chi, khi tiếng lòng em không có lấy một lời ca đồng điệu? Dương Qua đối với nàng cũng như một cánh chim hồng trên biển lớn, chỉ ngoảnh đầu nhìn lại nhân gian trong thoáng chốc trước khi theo Long nhi bay tới tận chân trời.

Trong vô vàn thiếu nữ của Kim Dung, có mấy ai bạc mệnh nhường này? Người con gái ấy, cũng như tên mình, sao bao dung đến thế, sao khiêm nhường đến thế, chỉ cần một cái nhìn đượm sắc quan hoài của người mình say đắm để an nhiên theo đến cõi vô thường…

Thương thay, cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng... Nấm mộ đơn côi của người trinh nữ động Tuyệt Tình có lẽ chỉ nên ghi một dòng duy nhất “Nàng đã yêu, không được yêu, và qua đời”.

Xin hãy coi khúc đoản thiên này như một đóa Tình hoa rơi trên nấm mồ lạnh lẽo, khóc thương cho mảnh hồn trinh bạch của Đoạn Trường nhai.

Ta lặng dâng nàng, cho trời mây phảng phất nhuốm thời gian...


Feb 8 2004