19 July, 2005

36 Quai de Orfèvres

Hôm nay buồn tình xem một bộ phim. Phim Pháp.

Hồi còn đi học, tôi hay đọc truyện trinh thám. Ngoài Sherlock Holmes quen thuộc, những nhân vật mà tôi ưa thích còn có Hercule Poirot, Ms. Marple của A. Christie và Maigret của Simenon. Trong số họ, ba người là thám tử tư. Duy nhất Maigret là một thanh tra cảnh sát.

Có lẽ Maigret chính là con người "thật" nhất và "đời" nhất trong số họ. Ba nhân vật còn lại đều giống nhau ở một điểm: tài năng trác tuyệt đi cùng với sự cô đơn. Phải chăng cái chức nghiệp của cuộc đời đã buộc họ phải cô đơn. Holmes chỉ có một mình, Poirot cũng vậy, và Ms. Marple cũng thế, mấy chục tuổi đầu vẫn được gọi bằng "cô".

Chỉ có Maigret là có một gia đình, dù là một gia đình không hoàn hảo (ông không có con). Tôi nhớ những giây phút Simenon tả Maigret và người vợ, những chăm chút nhỏ nhoi của bà dành cho ông lúc trời mưa nắng thất thường, nó thật là ôn nhu da diết. Chất tình cảm trong truyện của Simenon vì thế mà khác hẳn, và cũng hay hơn hẳn Doyle và Christie. Có lẽ vì Simenon là người Pháp chăng? Một thứ văn phong tinh tế, được trau chuốt tới từng chi tiết và đi sâu vào nội tâm. Giống như Maupassant hay Zola vậy?

Maigret là thanh tra cảnh sát của Paris, và vì thế ông làm việc ở Quai des Orfèvres. Mấy tiếng "Quai des Orfèvres" nó dường như đã trở thành một huyền thoại, sánh ngang với Scotland Yard, với Pinkerton Agency, nghĩa là mang đậm màu sắc cổ điển và tinh tế chứ không thô bạo máu lửa như kiểu LAPD, NYPD hay FBI. Bộ phim hôm nay mà tôi xem cũng vậy. 36 Quai des Orfèvres. Những mảnh đời cảnh sát. Cái tên ban đầu nó làm tôi mường tượng đến Maigret. Olivier Marchal trước khi làm diễn viên và đạo diễn, đã từng là một nhân viên cảnh sát, và đây cũng không phải bộ phim đầu tiên của ông về cảnh sát. Có lẽ vì thế mà 36 Quai des Orfèvres mang một phong cách rất riêng.

Bộ phim mở đầu bằng cảnh bữa tiệc chia tay một thanh tra - Eddy Valence. Món quà tặng thật là nghịch ngợm và dễ thương. Cảnh đám tang của Valence. Những giọt nước mắt của Titi. Nét mặt lạnh lùng đầy hy sinh và cam chịu của Vrink. Cái tình của những con người luôn sống cận kề cái chết trong thời bình, nó làm tôi cảm động.

Vai chính diện là của Daniel Auteuil, best actor của Cannes 96, và khá nhiều giải + đề cử César. Một tay cảnh sát đặc biệt. Hồi xưa xem Bao Thanh Thiên, tôi rất không thích ông ta ở chỗ thiết diện vô tư đến mức tuyệt tình. Chính vì thế mà tôi càng "chịu" cái phong cách của Léo Vrink. Chơi bời gần gũi với một tú bà về hưu, sẵn sàng vào tù để bảo vệ người chỉ điểm cho mình. Thủ đoạn như một tay giang hồ chính hiệu với mục đích là duy trì công lý, thứ công lý của riêng ông ta, một thứ công lý đầy nguyên thủy và rất nặng nhân tình. Cái "tà" trong một con người tưởng như phải rất "chính" ấy, nó làm tôi yêu thích.

Ít khi thấy Depardieu đóng vai phản diện. Depardieu làm tôi khóc khi xem Cyrano de Bergerac, làm tôi cười khi xem My father the Hero, và nhiều hơn thế nữa... Dạo này xem nhiều vai cảnh sát tha hóa quá, gần nhất là Duvall trong Assault on Precinct 13 (Gabriel Byrne), vậy mà vẫn phải rùng mình. Denis Klein là một tâm hồn bị bóp nghẹt bởi sự ghen tị, khát vọng quyền lực và có lẽ cả oán hận trong tình yêu. Đáng sợ làm sao, khi một viên cảnh sát không hề có sự phân biệt trong cách đối xử với đồng nghiệp và với tội phạm: không dung tha. Tai nạn của Camile, đó là sự trả thù Klein dành cho Vrink, hay giản đơn là sự hủy diệt một người đàn bà vĩnh viễn không bao giờ là của ông ta? Cái độc địa của Klein, nó làm tôi ghê sợ.

Những vai phụ khá dễ thương. Nhất là Titi, dám yêu dám hận cho đến những giây cuối cùng của cuộc đời mình. Nếu có một điều làm tôi cảm thấy chua chát nhất trong bộ phim này, đó sẽ không phải là cái chết của Eddy, không phải là cái chết của Camile, mà chính là số phận của Titi. Cũng phải thôi, dòng chảy khá bi kịch của điện ảnh Pháp thường là như thế.

Cũng may là kết cục của bộ phim phần nào làm tôi nhẹ nhõm, dù nó có vẻ hơi sắp đặt. Nhưng dẫu sao nó cũng đã thể hiện được một niềm tin, niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của cái Tốt.


July 18 2005

No comments: