29 November, 2005

Cái thú lười biếng

Mấy hôm trước đùa với HQD và TT về “hương vị cuộc sống”, hôm nay nổi hứng muốn viết đôi chút về café. Trong nhiều thứ “hương vị” đã từng nếm qua, café có một sự hấp dẫn đặc biệt. Café thơm một cách quyến rũ, mỗi lần ngửi lại có cảm giác ngây ngất mà hưng phấn. Mới uống vào thì thấy trơn mà hơi nhựa, vị đắng hơi gắt và ẩn một chút chua, nhưng lại là một cái đắng dễ chịu; sau một lúc thì vị đắng nhẹ dần, nhường cho cảm giác dầy dặn ở lưỡi, lại hơi ngầy ngậy, có một chút ngọt đầm đầm; trùm lên cả là hương thơm từ lưỡi, tỏa khắp vòm miệng và lan lên mũi. Mùi thơm này làm ta cảm thấy xung quanh như sáng hẳn lên, mắt ta hơi khép lại và mũi nhíu lại, hít mạnh, dường như muốn hút hết tất cả hương café còn đọng ở môi. Bao nhiêu những đầu dây thần kinh ở đầu mũi, ngay giữa màng ngăn cách giũa hai lỗ mũi như đang mở ra. Mọi tế bào như đang nở rộng, đón chờ một luồng thơm ngát mà dầy chạy lên xoang muốn. Phần xoang ở trán tê đi và mắt ta hơi đờ ra để cảm nhận tòan bộ hương thơm trong khoảng trống ở trán ấy. Lúc ấy ta sẽ muốn rít một hơi thuốc, để kết thúc trọn vẹn cái cảm giác khá là thần tiên này. Café mà thiếu thuốc lá thì cũng mất đi một nửa của lạc thú. Ấy nhưng đi cùng với cái thú uống café, còn có một cái thú khác, khá là mất thời gian, uể oải và lười biếng, nhưng dễ chịu vô cùng. Ây là cái thú ngồi quán.

Dân Việt thích uống café, mà dân Sài Gòn là tiêu biểu, cứ nhìn vô số các quán cóc ở cái thành phố đông đúc này mà luận. Trong vô số những quán cóc ấy, có một cái nằm ở góc một ngã tư, nơi có nhiều ngân hàng và công sở. Cái quán ấy nằm dưới bóng một cây điệp lớn cho nên luôn mát dịu. Sài Gòn nhiều điệp, mỗi năm lại có một mùa điệp nở vàng ruộm khắp thành phố, trông thích mắt vô cùng. Cái quán ấy trước đây có vài cái ghế song, mấy cái bàn gỗ xếp, café thì cũng tầm thường; nhưng có cái thú ngồi ngắm phố xá, lắng nghe những chuyện thượng vàng hạ cám ở những bàn bên cạnh. Mỗi sáng rảnh rỗi, khi ngoài cửa sổ ngập nắng, lòng ta lại nổi lên một mong muốn khó mà cưỡng lại, ấy là cầm theo một cuốn sách, lững thững thả bộ lên phía ngã tư. Nắng Sài Gòn tuyệt đẹp: luôn vàng rực rỡ, phủ lên bóng điệp xanh ngắt lại càng dễ chịu; nó gợi cho ta cái cảm giác ngày hôm đó thật là đáng sống và muốn sống cho trọn. Chọn cái bàn quen thuộc, gọi một ly café, vừa đọc sách, vừa hút thuốc, mỗi khi mỏi mẳt lại ngửng lên ngắm các cô văn thư đi qua đi lại giữa các ngân hàng và công ty. Chỉ cần nhìn mọi người bận rộn qua lại, mà ta lại cảm thấy vui vui. Đôi lúc đọc đến đoạn sách hay thì bật ra cười một mình. Sài Gòn mùa mưa, có những lúc trời chợt tối sầm, gấp sách, ngồi co hai chân tránh ướt dưới cây dù lớn, ngắm mưa Sài Gòn mờ khắp, gọi với bà chủ quán: “Dì ơi, một café sữa nóng”. Ngồi giữa một vòng tròn khô ráo, xung quanh là nước rào rào, lại có một cái thú riêng. Bây giờ ở bên này, nắng cũng rất vàng, cây cũng rất xanh, người cũng rất đẹp, lại thêm café rất ngon, công bằng mà nói là hơn ở nhà nhiều. Vậy mà ta lại luôn ám ảnh bởi cái quán lề đường kia, thèm được một sáng nhàn nhã, lại đem sách ra đầu đường mà gọi một ly café.

Sài Gòn cũng nhiều café vườn. Sáng Chủ nhật, chạy xe lên gặp đứa bạn thân, đi loanh quanh trong con hẻm khấp khúc nửa xanh nửa nắng, rồi ghé vào cái quán vườn quen thuộc. Tuy là thường nằm những nơi hẻo lánh, lại quanh co trong hẻm mấy lần rẽ, vậy mà các quán café vườn ít khi vắng khách. Quán thường mở nhạc, và thường thì nhạc không hay, café cũng thường thường, và thường thì ngọt lịm. Có quan trọng gì, bên ta có thằng bạn, chẳng cần nói nhiều mà vẫn hiểu nhau; lòng ta có nặng thì chỉ cần ngồi yên lặng cạnh bạn, cũng đã thấy vợi bớt đi nhiều. Yên lặng ngồi đó, ngước mắt nhìn những đốm nắng xuyên qua tán cây, ngắm đám thanh niên nam nữ ở các bàn khác chuyện trò rôm rả, tại văng vẳng những giai điệu mà ta không bao giờ để ý, để đầu óc chơi vơi đi đâu đó, và cảm thấy thật yên tâm, cảm thấy thật dễ chịu khi có bạn ngồi bên.

Người Đà Nẵng cũng chuộng café không kém, tuy rằng thói quen ngồi quán dường như có khác. Buổi sáng sớm, các quán café kín những người. Buổi sáng muộn, người vẫn ngồi chật kín. Có cảm giác những người uống café ấy không rời chân nửa bước, không đi làm, không di chơi, vẫn cứ rù rì nói chuyện, vẫn yên lặng nghe nhạc. Khác với Sài Gòn, sau 8 rưỡi sáng, người ta đã ăn sáng xong xuôi, đã uống hết café, đã đọc xong tờ báo, và người ta đi vào sở hoặc đi vào chợ, để lại những quán cóc vắng khách. Quán café Đà Nẵng làm cho người ta có cái cảm giác mỗi quán thuộc về một thành phần khách nhất định, một thứ câu lạc bộ riêng; làm cho ta ngần ngại khi định bước vào: chỗ này có dành cho ta?

Kiếm một cái xe máy, phóng qua Non Nước, chạy xuống Hội An. Quán café Hội An lại có một phong vị riêng. Sáu giờ chiều, trời sâm sẩm tối, quán thắp đèn lồng. Cả thành phố treo đèn. Một cảm giác cổ xưa mà lạ lẫm. Sự im ắng của một thị trấn nhỏ, sự cũ kỹ của các căn phố, màu gỗ tối của từng gian nhà, tất cả tạo nên một cảm giác là thời gian nơi đây trôi thật chậm. Lặng lẽ ngồi hút thuốc, ngắm bóng chiều tà đang tắt dần trên mái Chùa Cầu, tự dưng ta lại cảm thấy buồn buồn.

Đà Lạt có một quán café nổi tiếng. Quán đã lâu năm lắm, tường đã chuyển sang màu vàng ám khói, dường như bao nhiêu khói café và khói thuốc qua bao nhiêu năm đã quyện chặt vào. Quán tối mờ, lãng đãng khói thuốc. Quán hay mở nhạc xưa, nhạc trẻ Pháp đã từ lâu lắm, làm cho khách uống café tuy còn trẻ mà cũng cảm thấy hoài cổ. Quán làm ta nhớ đến café Paris nhờ có một băng ghế đệm da dài dọc tường. Chà, chút café Paris ở đất Việt? Không dễ gì mà có nhỉ. Vậy mà chỉ nhờ một băng ghế. Chẳng hiểu sao cô chủ quán ngày đó lại trông rất lạnh lùng, chắc hẳn cô ít ra đường lắm: da cô xanh mướt và trông như trong suốt. Nhìn cô đứng sau quầy, gợi ta nghĩ đến một món đồ cổ: để bày cho đẹp và không đụng tới bao giờ. Uống café nơi đây có lẽ điều thú vị nhất ở cái thành phố mù sương này: nhấp từng ngụm café nhỏ, chậm rãi thở khói thuốc, ngắm những bóng người thấp thoáng trong lớp sương dày ở dốc chợ. Ngày xưa, đã lâu lắm, thường lui tới quán này có một nhạc sĩ gày gò cùng với một cô sĩ có giọng hát ấm và điềm đạm. Bây giờ người ta vẫn khẽ chỉ cho nhau chỗ ngồi ngày trước của họ, như một thứ di tích.

Huế luôn mưa. Thành nội đường vắng tanh. Quán café trong nội lẫn trong đám tường rêu. Ngồi trong quán một ngày sau tết, trời thì lạnh mà xung quanh thì ướt, chính ta cũng cảm thấy ủ ê. Cả thành phố dường như lúc nào cũng đeo một nỗi buồn lớn. Mọi thứ dường như đang đi vào lãng quên: xâm thực, ẩm ướt, rêu phong, mục nát. Từ quán nhìn ra, những bóng ô xiêu xiêu đưới mưa, bao nhiêu nỗi buồn Huế cũng như ngập cả vào lòng.

Cho dù quán café Đà Lạt trông có một chút Paris, nhưng không khí café Paris thì khác hẳn: không quá yên ắng, cũng không quá ồn ào, đầy vẻ trí thức, lại có vẻ nghệ sĩ. Đến Paris, người ta thường nghĩ ngay đến tháp Eiffel, điện Louvre, Champ Élisée… nhưng muốn biết cuộc sống Paris thì chẳng gì bằng đi ngồi quán café. Người Paris không thể sống thiếu cái le café của họ, không hiểu quán café mà biến mất thì Parisien sẽ xoay sở ra sao? Một phần không nhỏ cuộc sống của họ diễn ra quanh bàn café: làm việc, trao đổi, tán gẫu, ăn uống… Nhưng ông bồi bàn - thực sự là ông, trông họ mới kiêu gớm chứ, làm ta cũng sinh ra ngại ngùng – mặc áo “gi lê” có dây xà tích, đeo tạp dề đen, trên mũi một cặp kính tròn, nghiêng mình đầy kiểu cách mà hỏi ta muốn dùng gì. À à, lại bập bẹ một câu tiếng “tây” duy nhất: “Une café, s’il vous plait”. Đã tưởng dân ta thích uống café, nhưng quả thật chẳng thể so được với dân Paris. Dân Paris “ngồi đồng” ngoài quán, chẳng bao giờ thấy họ không uống café. Sáng ra: uống, giải lao: uống, ăn trưa xong: uống, ăn chiều xong: uống, ăn đêm xong: uống. Mà họ ăn đêm có sớm sủa gì cho cam: toàn sau 11 giờ, vậy mà vẫn tráng miệng café. Quán café Paris có một điểm chung, đó là sự nhẩn nha. Sự hưởng thụ, nhấm nháp café và hưởng thụ, nhấm nháp cuộc sống. Phải chăng điểm này dân ta giống dân Pháp hay là do các vị thực dân đã “lây” sang dân ta? Ngồi café Paris một lần thì mãi không quên. Cái cảm giác dễ chịu một sáng mùa hè ngồi ở một quán trên ngã tư quận 13, ngắm những ngôi nhà đều đặn cuối thể kỷ 19, ngắm đường phố mát mẻ trong cây xanh; bỗng dưng lại nhớ Hà Nội: các vị thực dân quả thực đã “cấy” được một chút không khí Paris vào Hà Nội.

Dân Pháp tuy nổi tiếng về quán café, nhưng café thì phải kể đến dân Ý. Người ta bảo, Cappuccino đi ra khỏi nước Ý thì không còn là Cappuccino nữa. Có lẽ nói vậy thì không khỏi quá lời, nhưng không hẳn là không có lý. Ở Melbourne, chỉ cần uống Cappuccino từ một quán café thường và Cappuccino từ một quán café Ý thì biết. Lần đầu uống Cappuccino ở nước Úc thật không thích chút nào: café nhạt phèo, lại quá nhiều sữa đã bỏ bớt chất béo. Nói cho đúng đó là một thứ dung dịch lờ lợ, nhạt toách. Nhưng rồi ta cũng phải quen đi, thầm thở dài: “That’s the way things are”. Rồi một lần đợi tàu điện ở đường Victoria, buổi tối mùa đông Melbourne làm ta co ro. Đối diện có một quán café Ý. Bụng thì đói mà người thì lạnh, nghĩ đến một ly Cappuccino vừa làm ấm người mà lại không sót ruột. Ly Cappuccino ấy là một sự kinh ngạc: vị café đậm đà mà thơm ngát, vị sữa bùi béo mà ấm, vị bọt sữa trên cùng ngầy ngậy, lại thêm chút bột “sô cô la” thơm thơm ngọt ngọt. Vừa thích thú, vừa ngạc nhiên, bụng ta rủa thầm dân Úc dốt café lừa mình bấy lâu.

Tuy Cappuccino Melbourne là cả một sự thất vọng lớn, nhưng quán café Melbourne thì thật tuyệt. Nghỉ đông (lại mùa đông), cùng với đám bạn thả bộ dọc phố, vừa đi vừa nói chuyện cười nghiêng ngả. Thường điểm cuối cùng là một hẻm nhỏ trên đường Little Collins. Hẻm này có mấy hàng café rất ấm cúng. Gọi một short black, chọn một bàn ngoài trời gần lò sưởi ga. Ngồi như vậy thì một nửa người thì ấm ran, mà nửa người kia thì bị gió thổi lạnh buốt. Nhìn đám bạn mặt hồng lên vì hơi ấm, hứng khởi nhờ café, đang cười cười nói nói, một cảm giác ấm áp từ bên trong ta lan ra khắp người. Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, bạn bè rồi cũng chẳng thể ở cạnh nhau được mãi. Bây giờ mỗi khi ngồi ở con hẻm ấy là ta lại thấy nao nao.

Hà Nội có một quán café làm gợi nhớ đến Melbourne. Quán có hai cái lò sưởi ga, có lẽ cả Hà nội chỉ nơi đây là có của hiếm này. Café ở đây cũng rất ngon, đặc biệt là Cappuccino thì nhiều quán café ở châu Úc hay châu Âu cũng trông không hấp dẫn bằng. Chắc quán này có khuôn đặc biệt, vì bọt sữa nổi cao hẳn ra khỏi miệng tách đến 5, 6 phân, mà lại tròn trịa, sắc nét như một hình trụ. Nhìn tách Cappuccino ở đây đã thấy thích, chứ chưa cần uống. Uống rồi thì dám khẳng định: Cappuccino Hà nội ngon hơn Cappuccino Úc rất nhiều. Mùa đông (lại mùa đông nữa), ngồi dưới lò sưởi, bên ta là đám bạn đã từng cười như tết với nhau ở Melbourne, tưởng như lại quay ngược được thời gian. Nhưng bây giờ bên cạnh mỗi bạn ta đều đã có một người, thậm chí là hai. Cảm thấy vừa mừng mà lại thấy thoáng chút buồn. Thời gian trôi nhanh quá!

Ngay cạnh quán café ấy là một quán khác cũng thú vị vô cùng. Điểm thích thú nhất ở đây là phục vụ, có lẽ cả Hà Nội chẳng đâu chu đáo bằng nơi đây, mà cũng rất là kiểu cách. Nhiều tối, khi mà công việc đã tạm xong, tự dưng có cảm giác cô độc, ta lại nghĩ đến chỗ này. “Mày đang làm gì vậy?” – “Tao đang ở xưởng” – “Rượu vừa mới rót, mày lại đây đi” – “Ờ, tao qua”. Bao nhiêu suy nghĩ, hai kẻ chóng già. Chai rượu cứ vơi dần. Anh quản lý bảnh trai mà kiểu cách chẳng bao giờ để cho ly phải cạn. Bàn bên kia, một anh bartender đang mix café. Chà, café quái quỉ gì mà pha như ảo thuật! Nào rượu, nào kem, lại thêm cả lửa, cứ tráng qua tráng lại, chảy lên chảy xuống. Ta và bạn nhìn nhau cười. Bao nhiêu nỗi cô độc cũng như vợi bớt. Điện thoại lại rung. “Alô” – “Mày lại đây mau lên, có hai em đang làm tình làm tội tao”. Ta phá ra cười, cuộc sống nhiều điều thú vị ghê.

Không xa hai quán này, có một quán ngồi rất dễ chịu, có lẽ là quán café “Pháp” nhất đất này, ngay cái tên thì cũng đã “Pháp”. Quán trông ra một quảng trường thoáng đãng. Nắng chói hắt vào tòa nhà lớn trước mặt, xuyên qua tán xà cừ, chiếu vào quán thì đã thành vàng dịu. Anh phục vụ đem cho ta tách café latte quen thuộc mà không cần phải gọi. Ngoài kia, xe cộ qua lại, cuộc sống diễn ra tấp nập, ta ngồi đây ngắm nhìn, đọc vài chương sách. Bên kia đường, mới treo một ‘băng rôn’: vài ngày nữa là có hòa nhạc thính phòng. Cảm giác thực sự của Hà Nội là đây: hài hòa và nhẹ nhàng, cho dù qua vài chục năm cái tất bật, bon chen tưởng chừng đã nuốt hết tất cả.

Chỉ cách quán này hai con phố, là môt quán lộ thiên. Quán nằm trên vỉa hè, một nửa trong sân. Buổi sáng ngồi nơi đây là thích thú nhất: nắng mới, đường vắng, xà cừ xanh, biệt thự “tây” cũ kỹ, trí thức, nghệ sĩ, ca sĩ, café rẻ. Đã thành lệ, ngày nào cũng phải đến đây một lần, thỉnh thoảng lại bất chợt gặp người quen. Café nơi này, rất Hà nội mà cũng rất Paris, cũng bao nhiêu mảnh của cuộc sống đã diễn ra quanh bàn café: công việc, ăn uống, chuyện gẫu, tán tỉnh… Có một người mà ta vừa cồn cào mong được nhìn thấy, mà lại vừa sợ phải gặp, sau cùng ta đã trông thấy ở đây. Sao con người lại luôn mâu thuẫn?

Viết đến đây rồi thì lại không muốn tiếp nữa. Cho dù lúc đầu cũng muốn chia sẻ hết với mọi người những quán café thú vị, làm nên một thứ “hương vị cuộc sống” này. Hà Nội còn rất nhiều điều hay nữa về café và quán café. Sài Gòn cũng lắm chẳng kém. Quanh đất Việt còn vô số những nơi mà ta đã qua, đã ngồi mà không thể kể hết. Cả những quán café ở châu Âu hay châu Úc, nơi nào cũng có điểm thú vị riêng. Thôi thì cũng nên dừng lại ở đây, vài ngàn chữ đã là quá đủ. Khi nào “cảm giác lười biếng” nổi lên thì sẽ lại tính sau.


Copyright by KDAE (with love)

13 November, 2005

Hoa dạng niên hoa

Viết tặng em và ba ngày tương tụ
Busan, đêm 12 tháng 11 năm 2005


Đã ba năm rồi ta không biết thế nào là sợ hãi. Lý do rất giản đơn: bởi đã từ lâu ta đã không còn gì để mất. Thế nhưng đêm qua, tám tiếng phiêu bạt trên không trung cũng là tám tiếng lạc hồn. Có lẽ đến giờ ta mới chân chính thấu hiểu và thực sự đồng cảm với Lestat. Vẻ mong manh của em, ánh mắt u buồn của em, bờ môi ngọt lịm của em, bỗng trở nên quý giá hơn tất cả những gì ta từng biết. Em trong veo như pha lê với nụ cười lấp lánh nơi khóe mắt. Em long lanh như sương khói khi nghẹn ngào nhỏ lệ dưới hàng mi. Và ta sợ, sợ những khoảnh khắc quý giá ấy bỗng như chiếc phao cứu sinh duy nhất trôi tuột khỏi tay mình.

"Biệt ly vốn là để tương tụ!". Nếu bi kịch lớn nhất của nhân sinh chính là biệt ly, thì hân hoan lớn nhất của nhân sinh chính là tương tụ. Còn ký ức, ký ức chính là cây cầu nối liền hai bờ nhân sinh ấy. Và mỗi trái tim tình nhân cũng chính là một Angkor Wat, ngôi đền thiêng liêng nơi ta đã lặng lẽ chôn vùi những hoài niệm của một thời xưa cũ dưới ánh tà dương.

Phảng phất trong suốt chín mươi tám phút huy hoàng và mỹ lệ của Christopher Doyle là một màu ngọc bích, hay màu của mắt em xanh biếc đến lạ kỳ... aquellos ojos verdes… Từ chiếc máy điện thoại cổ lỗ của thập kỷ sáu mươi, từ ly café trong quán vắng, từ chiếc taxi của đôi tình nhân… Màu rong rêu thảm đạm của thời gian, hay màu vĩnh viễn trường tồn của ký ức?

Nơi con phố nhỏ, em giấu mặt trên vai ta khóc òa. Những bức tường loang lổ, những khung cửa rỉ sét dưới mưa đêm, thấp thoáng một chậu cây phía sau hàng song sắt. Tất cả đều điêu tàn và hoang phế, tất cả đều đã là trầm tích của thời gian. Chỉ còn lại em, bờ vai nấc nghẹn. Chỉ còn lại ta, âu yếm vỗ về. Ký ức ơi! Sự bất tử của ngươi làm ta si mê, nhưng cũng làm ta run sợ. Ta sợ một ngày kia, em sẽ không còn hiện hữu, em sẽ chỉ còn là một ảo ảnh mơ hồ qua ô cửa kính màu ẩm ướt, một bóng hình vỡ tan trong tấm gương tròn rạn nứt, bởi em đã thuộc về một-thế-giới-không-ta.

Dưới ánh đèn vàng nơi căn gác nhỏ, đã bao lần ta và em lặng lẽ lướt qua nhau? Đã bao lần ta và em đổi trao những lời thăm hỏi xã giao đầy nhạt nhẽo? Để rồi một ngày kia, cả hai cùng dấn thân vào một cuộc chơi ngõ hầu chia sẻ nỗi thất vọng trước tình yêu. Để rồi một ngày kia, sắc lá đã vàng. Để rồi một ngày kia, màu nắng đã phai. Ta không bao giờ cảm nhận được lá đang đổi màu, nắng đang nhạt sắc, cũng như không bao giờ biết được khi nào ta sẽ yêu một người. Để rồi một ngày kia... ngỡ ngàng, ta chợt nhận ra mình đã yêu em.

Em bật khóc khi nghe lời thú nhận của ta. Em bật khóc khi cùng ta ly biệt. Chỉ là những vở diễn thôi em, chỉ là những lần đóng thử... nhưng yêu thương là thật, và nỗi đau cũng là thật đấy, em ơi. Với ta, đớn đau đã trở thành một người quen cũ, như con đại bàng hàng ngày bay đến làm bạn với Prometheus vậy thôi. Chỉ khác một điều: nếu Prometheus kiên cường thay nhân loại, thì ta dấn thân vì chính trái tim mình. Thế nhưng ta vẫn sợ nhìn em khóc lắm, biết không?

Vở diễn biệt ly sau cùng đã trở thành ly biệt thật. Hy vọng một cách tuyệt vọng vào tương tụ, ta gọi cho em.

"Nếu còn dư một vé, em sẽ đi cùng ta nhé?"

Van em, đừng trả lời ta "Quizás! Quizás! Quizás!"

Hãy nói, chỉ một lần: "Yes, I do".

__________________

(*) Aquellos ojos verdes (Those green eyes) - Nat King Cole

(*) Quizás! Quizás! Quizás! (Perhaps! Perhaps! Perhaps!) - Nat King Cole

(*) Thần Prometheus vì ăn cắp lửa trên đỉnh Olympus cho nhân loại mà bị Zeus trừng phạt bằng cách trói vào vách núi Caucasus, và sai một con đại bàng hàng ngày bay đến moi gan. Khi đêm xuống, vết thương của Prometheus sẽ lành lại để chờ đợi ngày hành xác tiếp theo.