08 November, 2006

Dăm eo sèo nhân thế...

... chưa phai niềm say mê.

Bốn năm về trước, tôi gặp anh, người giới thiệu cho tôi về Phạm Duy. Hôm trước, đi lang thang, chọn mua phim, gọi cho anh và nghe anh hỏi "Vẫn còn thời gian theo đuổi điện ảnh cơ à?". Tôi bật cười, bỗng nhiên nhớ bài hát cũ. Âu cũng là một thứ hạnh ngộ của đời người.

Ba năm đã trôi qua. Trong thời gian ấy, tôi biết thế nào là kiếm tiền, cũng biết thế nào là tiêu tiền. Tôi học cách lao động nhiều, học cách hưởng thụ cũng không ít. Mà hình như tôi học hưởng thụ nhanh hơn nhiều thì phải. Một người bạn khác của tôi thường bảo, tuổi của mày là tuổi học hành chăm chỉ chứ không phải tuổi hưởng thụ. Những lúc như thế, trước lời khuyên chân thành của một ông bạn già đáng tuổi cha chú mình, tôi chỉ biết tủm tỉm cười, không đáp. Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ?

Quả vậy! Hưởng thụ, đối với tôi, có thể là một bộ phim hay, một ly rượu ngon, một bài hát lạ, hay giản đơn chỉ là một sớm mùa đông nằm ngủ nướng. Và còn gì sung sướng hơn, khi vào một phút giây nào đó, ta lại nhận ra rằng trái tim mình vẫn chưa hề chai sạn. Tôi vẫn còn có thể xao xuyến khi đọc một bản dịch thật bay bổng của Dương Tường, một lời đề tựa đầy tâm huyết của Trịnh Lữ. Tôi vẫn còn muốn ứa nước mắt khi nghe Sarah McLachlan thốt lên bằng tiếng hát trong trẻo của nàng "And when she was sad, I was there to dry her tears... And when she was lonely, I was there to comfort her". Tôi vẫn còn thời gian để chụp ảnh, sáng tác truyện, viết tản văn, và vẫn còn có thể dựa vào đó để tiêu tan đi những u buồn tuổi trẻ. Chỉ có một điều hơi khác, đó là lâu lắm rồi tôi không đụng bút làm thơ.

Ngày xưa, tôi làm thơ phần nhiều vì những chuyện đau lòng. Những bài thấm mệt đầu tiên ấy, chính là nhật ký nỗi buồn của cậu trai ngoài hai mươi tuổi. Mỗi khi tôi cảm thấy lòng mình cơ hồ không chịu nổi, tôi liền tìm đến với thơ, giấu mình trong sự ẩn khuất của ngôn từ. Nhưng bây giờ thì không thế. Không hẳn vì những nỗi buồn về sau này không đủ lớn, mà vì tôi đã có thể thụ hưởng chúng một cách nhẹ nhàng hơn. Mỗi nỗi buồn cũng như một giọt nước từ trời cao rơi xuống, xuyên qua không trung, qua nắng và qua gió, để khi xuống tới nhân gian, chỉ còn là những hạt bụi âm thầm.

May sao những hạt bụi ấy dù nhỏ nhoi nhưng vẫn đủ thấm ướt những niềm đam mê. Cho ngày xưa và cho cả bây giờ.

24 October, 2006

Tưởng niệm

Có lẽ đã hơn nửa năm nay, tôi mới nghe lại bài hát ấy.

Mang ơn em đau khổ thật đầy, là nắng vàng rủ nhốt trong mây...

Tiêu Thập Nhất Lang nói với Thẩm Bích Quân rằng: "Tôi đã từng chứng kiến một con chó sói bị mèo rừng cắn bị thương, nhảy xuống vũng lầy. Lúc ấy tôi tưởng nó đi tìm chỗ để chết, ai biết đâu, nó nằm đó hai ngày, bỗng nhiên sống lại. Thì ra nó đã biết trước, có nhiều thứ cỏ thuốc rữa nát trong đám bùn, có khả năng chữa trị thương tích của nó, nó đã biết trước cách lo liệu cho mình".

Thường nhật, tôi không bao giờ tìm đến nó. Chỉ bởi vì nó quá đỗi thê lương.

Tôi chỉ dám bật nó lên mỗi khi nghe hồn mình lảo đảo. "Lảo đảo", ấy là cái tính từ phù hợp nhất cho cảm giác của tôi lúc này - không biết phải vịn vào đâu cho khỏi ngã. Giống như khi ta mới uống rượu được nửa chừng, chưa đủ say để quên đi tất cả, nhưng cũng không còn đủ tỉnh táo để khống chế bản thân mình.

Kỳ lạ làm sao, mỗi khi nghe những ca từ ngập tràn thống khổ của Trầm Tử Thiêng, tôi lại cảm thấy lòng mình lắng xuống và bình thản nghĩ tới ngày mai. Cái bài hát đầy bi thương đó, không chừng cũng là một thứ vũng lầy của tôi đấy chăng?

18 October, 2006

Essence of Life

Thu năm nay, có lẽ là mùa thu đẹp nhất trong hai mươi bốn mùa thu tôi từng biết.

Anh bạn đồng nghiệp già mà tôi quý mến, hôm nay có nhắc khéo một câu rằng, mày không phải là đứa nghĩ xa.

Tôi hơi mỉm cười, không đáp.

Mấy năm vừa qua, tôi đã sống một cuộc đời với không ít đam mê. Có cái đam mê bồng bột, chói sáng rồi tắt lịm rất nhanh. Có cái đam mê lặng thầm, lẩn khuất giữa những nhớ, những quên và giữa cả những niềm đam mê khác, để đến hôm nay mới dịu dàng sống dậy.

Cứ nhạt nhòa
nhưng cứ mãi không quên
như vĩnh viễn…
như em miền ký ức


Câu thơ này tôi viết đã lâu, viết cho một trong những niềm đam mê ấy. Và cho đến hôm nay, khi những ký ức đôi chút ngọt ngào và rất nhiều cay đắng đó bỗng vô tình tái hiện, tôi chợt nhận ra rằng: Điều quan trọng không phải là sống một cuộc đời với những đam mê. Điều quan trọng là hãy đam mê cái cuộc đời mà mình đang sống.

Khi hiểu ra điều ấy, trong mắt ta, cả thế gian bỗng lần lần thay đổi.

Giờ đây, mỗi một buổi chiều, khi sắc vàng tắt dần trên những tán xà cừ bên ngoài cửa sổ, khi mấy con chào mào lẻo mép đã chán những trò nghịch ngợm trẻ con trong những tầng lá biếc, trong tôi lại ngập tràn ham muốn được uống một tách cà phê.

Không phải cà phê, mà là cái cảm giác được ngồi một cách thư nhàn và uể oải dưới vòm cây bên chân Cột Cờ thành phố nó làm tôi ham muốn. Không phải màu trắng của bọt cappuccino, không phải cái vị đắng hơi thiếu chiều sâu của cà phê Highland nó làm tôi khoan khoái. Điều làm tôi sung sướng, là mỗi khi rời khỏi căn phòng nhỏ bé số 305 với tiếng quạt thông gió rền vang ấy, tôi lại thấy nắng hồng đang nghiêng nghiêng qua những ô cửa sổ nhỏ xíu như những tổ bồ câu; tôi lại thấy những giọt mưa màu trắng nhạt đang triền miên rơi xuống, biến khoảnh sân gạch đỏ thành một vùng ngợp sắc hoa cau cuối ngày thu nở muộn.

Giờ đây, mỗi lúc đêm về, khi gió thu thong thả ùa vào qua ô cửa sổ mở toang, khi những giọng vocal jazz mà tôi yêu thích buồn bã cất lên trong căn phòng nhỏ, tôi lại thèm được uống. Merlot, Pinot Noir hay Syrah, gì cũng được.

Julie khói sương và nhỏ nhẹ. Nina trầm đục và mạnh mẽ. Diana trẻ trung và tươi mới. Ella uy nghi và đường bệ. Âm nhạc là một thứ nghệ thuật kỳ dị, nó đi lang thang trong cái nơi chốn mơ hồ vô thức của mỗi tâm hồn như một cô bé mải chơi. Mỗi khi cô bé vô tình đi vào nẻo khuất và cười lên khanh khách, những ký ức đang giấu mình trong đó lại run rẩy ngân lên đầy xao xuyến theo những cung đàn.

Ta nhớ em của sáng ngày hôm ấy, cúi xuống nhặt một chiếc lá xanh đang ngả dần về sắc đỏ của mùa thu. Ta nhớ em của sáng ngày hôm ấy, lỡ tay chạm vào một chùm hoa leo để sắc hồng theo nhau rơi tàn lả tả. Ta nhớ nhiều như thể một tình yêu...

Bao lá cũ của những mùa thu trước
Và lá rơi của cả thu này
Người nhặt lấy cất cho riêng mình vậy
Bởi cô liêu, thu qua đã bao ngày...

01 October, 2006

The Nights of Wine

Hai năm trở lại đây, trong ta bắt đầu nảy nở một tình yêu, tình yêu với thứ chất lỏng lung linh và ngọt ngào sắc đỏ.

Ba tuần vừa qua, ta trôi dạt trong lòng một thành phố miền Trung. Hành trình của một ngày bắt đầu lúc 7 giờ 15 phút sáng ở Mỹ Khê II và kết thúc lúc 11 giờ đêm ở Furama Resort. Đôi khi tìm được một khoảng thời gian trống trải, ấy là lúc ta ngồi trên bãi cát ngoài bờ biển, trên tay là một ly Jack Daniel hay Glenfiddich, nghe lao xao sóng vỗ dưới chân mình và thả hồn theo những suy nghĩ vẩn vơ, về công việc, về tương lai, về bạn bè, về cuộc sống, và về em...

Chính vào những phút giây như thế, ta bỗng nhận ra lòng mình da diết nhớ. Có gì hạnh phúc hơn là những khoảnh khắc nằm dài trong căn phòng nhỏ của anh, người bạn già mà ta yêu quý. Trời thì rất mát, nhạc thì rất hay, rượu thì rất thơm, mưa thì rất buồn và mèo con thì rất ấm. Toàn thân ta bồng bềnh vô định, thịt da lười biếng được mơn man bằng những làn gió nhẹ nhàng và đôi tai lười biếng được mơn man bằng thứ thanh âm trầm buồn đầy uể oải của Pink Martini: "Je ne veux pas travailler..."

Chính vào những phút giây như thế, ta cảm thấy trái tim mình rộng mở, cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, cảm thấy huyết quản ta đang đập những nhịp đập chân thành và tha thiết nhất cho cái cuộc đời kia, ôi sao mà đáng sống! Nhìn nhau qua những giọt rượu đang chậm rãi chảy dài trên thành cốc, qua những lóng lánh mơ màng của một ly Cabernet Sauvignon thoang thoảng mùi vani và khói bếp, bỗng nhiên nhận ra, bạn bè của ta ơi, biết bao là yêu thương, biết bao là gần gũi.

Chính vào những phút giây như thế, ta cảm thấy quên đi tất cả những phiền ưu và mỏi mệt. Mọi va vấp trong công việc, mọi trắc trở của nhân tình tự bao giờ đã bị bỏ lại đằng sau. Chỉ còn lại em, với đôi mắt trong ngần phảng phất vẻ u buồn mà ta vẫn mãi say mê từ bảy năm về trước.

Một nhà văn từng nói: "Chỉ tiếc là trong xã hội hiện đại này, cái cơ hội như thế càng lúc càng ít đi".

Chỉ tiếc là điều đó đúng!

Đêm nay còn cùng em mỉm cười bên ly Valpolicella xứ Verona, quê hương của Romeo và Juliet, nói huyên thuyên những điều vô nghĩa, ngày mai đã có thể ở Hokkaido trông tuyết trắng, ngắm hoa đào và mường tượng ra một ngày êm đềm giờ đã mãi rất xa. Còn em thì sao? Ngày mai, có thể em đang đứng giữa Darling Harbour, dõi mắt theo những cánh hải âu và (hy vọng rằng) em sẽ nhớ về ta, về những thời khắc bên nhau, về những gì chúng ta đã cùng nếm trải. Chợt hiểu vì sao Dino có một câu ca buồn đến vậy. Your lips and mine, two sips of wine. Memories are made of this...

Đôi khi tự hỏi, ta và em có duyên phận gì không? Nhớ câu nói của cái đêm mưa buồn rả rích: In love, somebody is dispensable. Ta đã phải chờ đợi bảy năm để có thể ôm em trong vòng tay và nói ra những lời đắm đuối. Ta đã phải chờ đợi bảy năm để cảm thấy em đang gục đầu lên vai ta, để lắng nghe tiếng thở của em, rất đỗi nghẹn ngào và vô cùng xa vắng.

Chính vào những phút giây như thế, ta biết rằng, dù thế nào đi nữa, suốt cuộc đời này, em sẽ mãi trong ta. Other dancers may be on the floor. Dear but my eyes will see only you...

Trong trái tim ta, căn phòng đó vẫn luôn đợi chờ em và sẽ không bao giờ đóng cửa. Sẽ mãi là như thế, cuối cùng cho một Tình yêu.

What is life?
What is loving?
What are all the stars that shine?
Love, my friend, is everything.
Hey brother pour the wine!

27 August, 2006

Không phải âm nhạc

Những người hay tới nhà tôi đều lấy làm lạ: thứ nên có, nhà tôi hầu như đều đã có, chỉ có mỗi âm nhạc, thậm chí ngay cả một cái máy thu âm cũ rích cũng không có.

Không có âm hưởng, dĩ nhiên cũng không có âm nhạc.

- Tại sao ông không thích âm nhạc?

Mọi người đều cho rằng, người không thích âm nhạc, thông thường đều là người không có văn hóa, hoặc là bị điếc.

Tôi là Cổ Long, không phải là Cổ Lung (lung là điếc). Nói đến văn hóa, tôi cũng có ít nhiều chút đỉnh, nhưng tôi không thể tiếp thu được âm nhạc, bởi vì đối với tôi, âm nhạc không phải là âm nhạc, mà là một thứ thống khổ.

Vết thương trên người, có thể ở cả trăm chỗ. Vết thương trong tim, thường chỉ có một chỗ.

Đấy là tôi nói đấy, bởi vì tôi hiểu điều đó lắm.

Trên người tôi có vô số vết thương bị chém, chỗ này chỗ nọ, nhưng không ai chém vào chỗ mình đã bị thương rồi.

Nhưng vết thương trong tim lại khác, đao nào đao nấy chém ngay vào một chỗ. Cũng chẳng phải người ta cố ý chém vào chỗ đó, cái nhát đao đó chém vào ngay chỗ đó, chỉ bất quá là vì chỗ đó chính là chỗ dễ dàng bị chém nhất, có muốn chém trật đi cũng không xong.

Bởi vì chỗ đó chính là chỗ trong tâm linh yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất của mình. Dù cho vết thương đã lành lặn rồi, chỉ cần nghĩ lại, nó lập tức muốn bung ra.

Tôi sợ âm nhạc, nó cứ muốn làm tôi đi nghĩ đến những chuyện không nên nghĩ đến. Nó cứ muốn làm cho vết thương bung ra.

17 August, 2006

The Passion of Life

"Café là khát khao, hồi ức và đam mê, là một chuỗi dài vô tận những khoảnh khắc tiêu dao và khoái lạc đã góp phần dệt nên cuộc sống này!".

Coffee - phổ thông trong tiếng Anh. Café - duyên dáng trong tiếng Pháp. Caffè - sôi nổi trong tiếng Ý. Cà phê - gần gụi trong tiếng Việt. Không phải ngẫu nhiên mà danh từ chỉ thứ đồ uống này lại có cùng một cách phát âm trong rất nhiều ngôn ngữ. Điều đó đồng nghĩa với việc cho dù bạn ở bất kỳ đâu (trừ Mặt Trăng và những nơi nào tương tự), nói bất kỳ thứ tiếng nào, bạn luôn có thể rẽ vào một cửa hàng, ung dung ngồi xuống, vẫy anh bồi bàn lại và gọi cho mình một tách café.

Có một thực tế mà chắc nhiều người không ngờ tới: cà phê là mặt hàng có giá trị mậu dịch đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau dầu mỏ (70 tỷ USD/năm!!!). Nếu như dầu là nhiên liệu của máy móc thì cà phê cũng có thể được coi như một thứ nhiên liệu của con người. Vì một lý do riêng tư, bài viết này sẽ chỉ xoay quanh caffè espresso và những biến thể của nó, một loại hình cà phê còn phần nào xa lạ ở Việt Nam.

Espresso thực sự là gì? Theo nghĩa hẹp, đó chỉ giản đơn là một phương pháp rang và pha chế cà phê. Nhưng theo nghĩa rộng, nó đã trở thành một không gian thật quyến rũ, một thế giới đầy bí ẩn. Linh hồn của thế giới ấy chính là những cỗ máy uy nghi và đường bệ - ông vua không ngai của mỗi quán cà phê.

Tuy cà phê đã là một thứ đồ uống phổ thông ở châu Âu từ thế kỷ XV, nhưng phải ba trăm năm sau mới xuất hiện những chiếc máy pha chế đầu tiên, và chúng đã nhanh chóng trở thành một nhân tố quan trọng góp phần hình thành nên cái gọi là "văn hóa espresso". Người Italia dường như đã thổi vào cỗ máy bằng kim loại vô tri kia một linh hồn đầy đắm đuối và đam mê, khiến cho sự hiện diện của công nghệ trong mỗi quán cà phê trở nên không hề lạc lõng. Espresso nghĩa là pha sao cho nhanh, pha cho riêng bạn, pha cho mình bạn, vì tất cả mọi thứ sẽ chỉ diễn ra trong khoảnh khắc như thể một chuyến xe lửa tốc hành

Mặc dù barista (người pha chế cà phê) có thể sử dụng cà phê xay sẵn, nhưng lựa chọn tối ưu vẫn là cà phê nguyên hạt, rang nâu vừa hoặc nâu sẫm, được nghiền mịn ngay trong quá trình pha chế, bởi nó sẽ đem đến cho ly espresso thứ hương thơm tinh thuần và nguyên thủy nhất trong mỗi giọt cà phê.

Nguyên lý cơ bản của espresso là nước nóng chảy qua lớp cà phê nghiền mịn được nén chặt dưới áp suất cao: một dòng nước êm đềm nóng bỏng ôm siết lấy những hạt màu nâu nhỏ bé và mịn màng trong giây lát, trước khi cuốn theo những ngọt ngào chao chát vào lòng chiếc demitasse nhỏ xinh.

Demitasse trong tiếng Pháp nghĩa là "nửa chén", một thứ tách uống cà phê bằng thủy tinh hoặc sứ, nhỏ bằng một phần hai chiếc chén thông thường để phù hợp với đặc trưng của caffè espresso - sự cô đọng, kết tinh và ngưng tụ.

Một đặc trưng không thể thiếu khác của espresso là crema, lớp bọt mịn màu nâu phủ kín mỗi tách cà phê. Đối với người Italia, một ly espresso chỉ được coi là hoàn hảo nếu đường có thể nằm lại trên mặt lớp crema đó chừng nửa phút trước khi chìm hẳn.

Giờ đây ở Hà Nội khá nhiều nơi đã có espresso machine, nhưng chỗ pha espresso ngon thật sự không nhiều, và crema đạt tới đẳng cấp của người Ý thì có lẽ là chưa, hoặc giả có nhưng tôi chưa từng được thưởng thức chăng? Không như cappuccino, latte hay mocha, nơi sự tinh thuần bị cái bùi của sữa và vị ngọt của chocolate làm cho sao nhãng, espresso là cà phê và duy nhất chỉ cà phê. Chính điều đó khiến pha chế espresso chưa bao giờ đơn giản. Muốn kiểm nghiệm chất lượng cà phê cũng như trình độ của barista, chỉ cần gọi một shot espresso đã là quá đủ.

Espresso có trên dưới mười biến thể, nhưng cho đến giờ ở Hà Nội, theo chỗ tôi được biết, chỉ tìm được cùng lắm là ba loại.

Loại đầu tiên và đơn giản nhất, espresso doppio, hay còn gọi là espresso double shot, nghĩa là một ly đúp. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, và đây là câu trả lời cho điều bạn đang nghĩ trong đầu: dung tích của một chiếc demitasse ở vào khoảng 60ml, còn một shot espresso đơn chỉ chừng 30ml mà thôi.

Loại thứ hai, Espresso Con Panna, nghĩa là một shot espresso với chút kem đánh bông trên miệng tách. Đây có lẽ là thứ đồ uống thích hợp nhất cho những người mới làm quen với espresso vì sự dịu dàng của nó. Nét gay gắt của cà phê dù bị hòa tan đi khá nhiều trong cái béo và bùi ngầy ngậy của vị kem, nhưng vẫn phảng phất nơi đầu môi chót lưỡi. Bởi thế cho nên, khi nào tôi bước vào nơi quán quen với cái dạ dày trống rỗng mà vẫn thèm thuồng hương vị cà phê, tôi thường gọi cho mình một tách Con Panna.

Loại thứ ba, Espresso Romano, espresso cùng vỏ chanh thái mỏng. Tuy có cái tên hoàn toàn Ý, nhưng công thức này lại bắt nguồn từ Mỹ. Người Italia cho rằng cách pha chế này làm mất đi mùi vị đặc trưng của cà phê, và trong chừng mực nào đúng là như vậy. Điều này càng đúng hơn ở Việt Nam, vì người ta dùng chanh xanh (lime), chua và gắt hơn nhiều so với chanh vàng (lemon). Nhưng đôi khi một chút rất rất rất ít thôi hương chanh lại làm tôi cảm thấy tách cà phê có chút gì trong trẻo, nhất là những khi ngồi bên chân Cột Cờ vào một ngày hè oi ả.

Một người bạn của tôi ở châu Âu, người thường uống espresso mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều và mỗi tối, sau khi về Việt Nam chơi có nói rằng cà phê ở nhà không ngon bằng bên đó. Cũng phải thôi, vì một ly espresso ngon đòi hỏi cà phê hảo hạng, máy pha chế cao cấp và một barista sành sỏi, ba thứ mà Việt Nam đều rất thiếu. Cà phê Illy tôi mới chỉ thấy ở Sài Gòn, còn ở Hà Nội thường là cà phê Highland, rang hơi cháy và có lẽ không phải 100% Arabica (ai mà biết được). Những chiếc máy pha espresso chuyên dụng có giá vài nghìn dollar, một món đầu tư không nhỏ dù là với những quán cà phê cao cấp, đặc biệt là khi thực khách chưa nhiều. Và cuối cùng, khi mà espresso còn chưa hoàn toàn phổ biến ở Việt Nam, để trở thành một barista thực thụ, cái mà người ta cần là sự đam mê với thứ đồ uống ấy.

Nhưng với bản thân tôi, cái quyến rũ của espresso có lẽ không hoàn toàn nằm gọn trong tách cà phê, mà còn là rất nhiều điều khác nữa. Có những thứ thật rõ ràng hiển hiện, lại có những điều sao lãng đãng mơ hồ? Một khoảnh khắc ngồi sau cửa kính, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên khe khẽ, tựa như từ một cõi xa xăm nhưng cũng lại quá gần. Một tối lặng im bên vỉa hè thành phố, nhìn sang nhau và không nói nổi một lời, bởi chỉ khẽ mấp máy môi là cảm thấy nỗi đau đã trào lên lồng ngực. Và một buổi trưa Hà Nội, khi tia sáng xuyên qua vòm cây và đọng lại trên má em tựa một chân trời xa không ngấn nắng, cảm thấy ly Con Panna trên tay bỗng nhiên đắng ngắt, như chưa từng như thế tự bao giờ...

06 July, 2006

Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt

Kim tiêu tửu tỉnh tri hà xứ
Vô xứ tương tầm nhất phiến tâm...

Trên đời này có nhiều hạng người, có người thích nghĩ về quá khứ, có người thích hiểu chuyện vị lai, nhưng cũng có người cho là chuyện hồi xưa chưa chắc đã là hay, chuyện tương lai không dễ gì suy đoán, chỉ có "hiện tại" là chân thực, nhất định dễ nắm bắt. Những hạng người ấy, không phải là không có chuyện để nhớ lại, chỉ bất quá thông thường không nguyện ý đi nghĩ đến nó thế thôi.

Chuyện xưa như khói, mộng cũ khó tìm. Cái gì mất rồi cũng đã mất rồi, làm chuyện gì sai cũng đã làm rồi. Một người đã học được một bài học từ đó rồi, thì cần gì phải nghĩ lại? Nghĩ lại cũng có để làm gì?

Có điều, mỗi khi bạn bè thân thiết tụ tập lại, lúc mấy bình rượu từ từ vơi đi, lúc hào tình buổi thiếu thời bắt đầu từ từ dưới bụng đưa lên, bọn họ không khỏi đề cập đến thời xa xưa, những chuyện chỉ cần nghĩ đến sẽ làm người ta muốn phát điên lên trong lòng, mỗi chuyện đều đáng cho bọn họ uống ba ly nghiêng ngửa.

Những chuyện làm người ta thương tâm, thất vọng, thống khổ, bọn họ nhất định sẽ không nghĩ đến. Vận khí của tôi cũng còn tốt lắm, hiện giờ tôi còn có thể thường thường được gặp mặt rất nhiều bạn bè hồi xưa. Xa lắc xa lơ, từ trước cái thời tôi bắt đầu uống rượu, tôi đã quen biết bọn họ rồi.

Uống rượu dĩ nhiên là một chuyện rất thích thú, nhưng uống say dậy lại hoàn toàn là một chuyện khác. Bạn mà say nhừ một trận, sáng hôm sau tỉnh dậy, thông thường không ở bên bờ dương liễu, cũng không có gió sớm trăng tàn. Bạn mà say nhừ một trận, sáng hôm sau tỉnh dậy, thông thường chỉ cảm thấy cái đầu của bạn lớn hơn gấp năm gấp sáu bình thường, không những vậy còn nhức muốn chết đi được, nhất là lần đầu tiên uống say lại càng chết người. Tôi đã từng trải qua cái kinh nghiệm đó.

Lúc đó tôi đang học trường Đạm Giang tại Đạm Thủy. Mấy người học cùng lớp bỗng đề nghị uống rượu, do đó tất cả đều rủ nhau đi kiếm mấy hũ rượu đem về. Đại khái có năm sáu người, tìm về bảy tám bình rượu, rượu Trung Hoa, rượu ngoại quốc, Hồng Lộ tửu, Ô Mai tửu, rượu nếp, rượu tạp nhạp đâu đó để một đống; mua chút đầu vịt, chân gà, đậu phụng, đậu hũ khô, mặt mày hứng khởi lại một gian phòng rách rưới của một người cùng lớp mướn một trăm hai mươi đồng tiền một tháng ngồi uống, uống một hồi lại chuyển qua bờ đê gần biển Đạm Thủy. Không phải bờ dương liễu, mà là bờ đê. Hôm ấy cũng không có trăng, chỉ có sao… sao đầy trời.

Mọi người cầm bình rượu, nằm soải ra trên bờ đê lạnh ngắt như đá, nằm dưới ánh sao trời lấp lánh, nằm nghe gió biển thổi sóng đánh vào bờ đê, mi đưa bình rượu cho y, y uống một ngụm, y đưa bình rượu cho ta, ta uống một ngụm, lại đưa qua người khác. Mọi người bắt đầu thi đánh rắm, ai đánh không ra phải phạt uống một ngụm lớn.

Muốn tùy thời tùy lúc đánh rắm không phải là chuyện dễ, trong mình ôm được tuyệt kỹ ấy chỉ có một người, y nói đánh là đánh, nhất định không có tý gì là trì nê đái thủy lôi thôi cả. Vì vậy y cứ đánh rắm liên tục, còn bọn tôi thì cứ liều mạng uống rượu. Hôm ấy, mọi người thật uống một trận đã đời, vì vậy mà ngày hôm sau khó chịu muốn chết luôn. Có điều bây giờ ngồi nghĩ lại, cảm giác khó chịu đã tiêu tan không còn lại một chút gì, chỉ còn lại cái thứ lạc thú của tình bạn. Cái đêm có sóng biển, có sao trời đó, hình như đã bị phi đao của Tiểu Lý khắc vào trong tim, khắc một cái dấu sâu thật sâu.

Trên đời chuyện không được như ý có tới tám chín phần, nhân sinh cũng có quá đủ khổ đau rồi, tại sao còn phải đi tìm thêm sầu não? Tôi rất hiểu cái lối suy nghĩ và tâm tình của những hạng người đó, bởi vì tôi chính là hạng người đó. Những chuyện tôi đang nói đây, mỗi khi tôi nhớ đến, lại cảm thấy như mình đang ở trong cái đêm lạnh lẽo trừ tám độ đó, đội bão tuyết về nhà, cởi áo quần ướt nhẹp lạnh băng băng ra, chui vào trong cái mền nóng hổi.

Bạn bè và rượu đều cũ mới ngon.

Tôi cũng hiểu cái câu đó. Tôi thích bạn bè, thích uống rượu; chơi bời với một người bạn thân bao nhiêu năm nay, uống một ly Bạch Lan Địa để tám chục năm trời, cái thứ cảm giác ấy làm sao còn hình dung ra cho nổi? Chỉ tiếc là trong xã hội hiện đại này, cái cơ hội như thế càng lúc càng ít đi.

Xã hội càng tiến bộ, giao thông càng phát triển, chân trời xa nhau bỗng gần như mấy thước. Tối nay còn ở trong nhà người uống mấy ly, nói chuyện xa xưa với bạn bè, hôm sau rất có thể đã ở xa mãi tận chân trời.

26 April, 2006

Hương tóc truy tầm vai thất tung

Chính là em
vị giang hà chất ngất
cứ lạnh lùng kiêu bạc đến vô ngôn


Một ngày mùa hè của bốn năm về trước, có một chàng thanh niên âm thầm và háo hức mở một món quà đã chu du hơn năm ngàn dặm, mang theo trong lòng muôn vàn nhung nhớ của trời Âu. Lần đầu tiên trong đời, cậu trai hai mươi tuổi biết thế nào là sự huyền diệu của một mùi hương. Nồng nàn song cũng rất dịu êm, đắm say nhưng cũng đầy e ấp.

Y nhắm mắt lại, lặng lẽ vùi mặt vào món quà nho nhỏ ấy để đón nhận cảm giác thanh khiết và dịu dàng cứ êm đềm mơn man hai bên cánh mũi. Mùi hương của nàng là một thứ hương thơm có sức dụ hoặc vĩnh vằng, một thứ hương thơm rất đỗi đàn bà mà có lẽ tất cả những người đàn ông khác trên thế gian này cũng sẽ như y, mãi mãi kiếm tìm và vô phương định nghĩa.

Mơ thấy em trong mùa mưa khói
Mắt em buồn sóng gọi Ly Lan…


Nàng trong cơn mơ hoài niệm của y đã, đang và sẽ luôn luôn là như thế, trần ai mà bí ẩn, gần gụi mà xa xôi. Người con gái ấy, cũng như thời đại mà lẽ ra nàng phải thuộc về, đã một đi không bao giờ trở lại…

Ba năm sau cái ngày-không-thể-nào-quên đó, y trịnh trọng đặt món quà của nàng - vẫn thoảng chút hương xưa - lên ô cửa sổ, với hy vọng những tơ lòng của quá khứ sẽ theo nắng và gió tan biến vào hư không như mùi hương ấy. Nhưng y đã nhầm.

Giữa những hàng chữ giờ đây đã phẳng lặng yêu thương, trong lần giấy mỏng giờ đây đã nhạt nhòa sắc trắng, chút hương kiêu bạc của ngày xưa vẫn âm thầm hiển hiện. Mùi hương ấy, cho dù có tan đi theo hơi thở của thời gian, nhưng những dư âm ngọt ngào và tê buốt vẫn phảng phất lưu chuyển trong lồng ngực y, cuộn thắt linh hồn y, khiến y vô phương hít thở. Nỗi đau mang dấu ấn nàng dù đã lặng im, ký ức về bóng hình nàng còn đang thao thức.

Nói cho cùng, ảo ảnh đã muôn ngàn xa khuất của nàng trong huyết quản y, phải chăng giản đơn cũng chỉ là tinh túy của một mùi hương?

Đâu đây, lời ca của Du Tử Lê vẫn mãi hoang đàng và da diết…

Chẻ đôi con gió cây ly biệt
Hương tóc truy tầm vai thất tung.

24 March, 2006

Chuyện sau ly café sớm

Sáng. Một ly café. Rất thơm, rất mơn man và rất hoang liêu...

Chậm rãi bước đi trên con đường xưa màu Hà Nội, nơi người ta đang trèo, đang cắt và đang cưa những ngọn xà cừ trước mùa mưa bão.

Huyết sắc nghẹn ngào ứa nhựa của những tán cây già bỗng khiến lòng ta xao xác...

Chẻ đôi con gió cây ly biệt
Tiếng chân thương cùng mỗi tháng năm
Phạt ngang ký ức rừng thao thiết
Dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn...

06 March, 2006

Thiên hạ hữu tình nhân

Bài hát này là theme song của Thần điêu hiệp lữ 95 (TVB, Cổ Thiên Lạc - Lý Nhược Đồng), do Châu Hoa Kiện và Tề Dự song ca, có thể coi là một trong những bài nhạc phim kiếm hiệp hay nhất từ xưa tới nay. Mỗi lần nghe là một lần hình dung ra Tiểu Long nữ nép bên Dương Qua, đứng trước triều dâng cuộn sóng, là một lần nhớ tới Đoạn long thạch, tới Đoạn trường nhai...

Mandarin version - 天下有情人

曲周華健
詞林夕
唱齊豫﹐周華健

愛怎麼做怎麼錯怎麼看怎麼難
怎麼教人死生相隨
愛是一種不能說只能嚐的滋味
試過後以後不醉不歸
等到紅顏憔悴
它卻依然如此完美
等到甚麼時候
我們才能夠體會

愛是一朵六月天飄下來的雪花
還沒結果已經枯萎
愛是一滴擦不乾燒不完的眼淚
還沒凝固已經成灰
等到情絲吐盡
它才出現那一回
等到紅塵殘碎
它才讓人雙宿雙飛
有誰懂得箇中滋味

愛是迷迷糊糊天地初開的時候
那已經盛放的玫瑰
愛是踏破空塵望穿秋水
只因為愛過的人不說後悔
愛是一生一世一次一次的輪迴
不管在東南和西北
愛是一段一段一絲一絲的是非
教有情人再不能夠
說再會
____________

Thiên hạ hữu tình nhân

Khúc: Chu Hoa Kiện
Từ: Lâm Tịch
Xướng: Tề Dự , Chu Hoa Kiện


Ái, chẩm ma tố chẩm ma thác chẩm ma khán chẩm ma nan
Chẩm ma giáo nhân tử sinh tương tùy
Ái thị nhất chủng bất năng thuyết chỉ năng thường đích tư vị
Thí quá hậu dĩ hậu bất tuý bất quy
Đẳng đáo hồng nhan tiều tuỵ
Tha khước y nhiên như thử hoàn mĩ
Đẳng đáo thậm ma thì hậu
Ngã môn tài năng cấu thể hội

Ái thị nhất đoá lục nguyệt thiên phiêu hạ lai đích tuyết hoa
Hoàn một kết quả dĩ kinh khô nuy
Ái thị nhất tích sát bất kiền thiêu bất hoàn đích nhãn lệ
Hoàn một ngưng cố dĩ kinh thành hôi
Đẳng đáo tình ti thổ tận
Tha tài xuất hiện ná nhất hồi
Đẳng đáo hồng trần tàn toái
Tha tài nhượng nhân song túc song phi
Hữu thùy đổng đắc cá trung tư vị

Ái thị mê mê hồ hồ thiên địa sơ khai đích thì hậu
Ná dĩ kinh thịnh phóng đích mai côi
Ái thị đạp phá không trần vọng xuyên thu thuỷ
Chỉ nhân vi ai quá đích nhân bất thuyết hậu hối
Ái thị nhất sinh nhất thế nhất thứ nhất thứ đích luân hồi
Bất quản tại đông nam hoà tây bắc
Ái thị nhất đoạn nhất đoạn nhất ti nhất ti đích thị phi
Giáo hữu tình nhân tái bất năng cấu
Thuyết tái hội
______________

Yêu, làm sao thương, làm sao lỡ, làm sao ngắm, làm sao khó...
Làm sao bắt con người sống chết cùng nhau
Yêu, là thứ mùi vị không nói ra được, chỉ biết nếm...
Để rồi say không muốn về
Cho đến lúc hồng nhan tiều tụy
Mà dường như vẫn đẹp hoàn mỹ như vậy
Biết phải đợi đến bao giờ
Con người mới hiểu ra điều ấy

Yêu, là đóa tuyết hoa bay bay ngày tháng sáu
Còn chưa kịp đơm hoa kết trái đã héo tàn
Yêu, là thứ nước mắt lau không khô, đốt không hết
Chưa ngưng đọng đã hoá thành tro bụi.
Đợi tới lúc tơ tình đã tuyệt
Mới âm thầm hiển hiện
Đợi đến lúc hồng trần tàn tạ
Mới cho con người sánh bước cùng bay
Có ai hiểu được hương vị đặc biệt đó

Yêu, là mơ mơ hồ hồ lúc trời đất mới sinh ra
Là đóa mai côi nở hoa tươi tắn
Yêu, là đi nát cõi hồng trần
Là nhìn suốt qua làn thu thủy,
Chỉ vì người đã yêu rồi, vĩnh viễn không nói lời hối hận
Yêu là cõi luân hồi đời đời kiếp kiếp
Chằng nề đông nam hay tây bắc
Yêu là từng mối tơ, từng sợi chỉ của thị phi phải trái
Khiến kẻ hữu tình chẳng thể nào nói tiếng chia ly...

18 February, 2006

Chuyện tình hai chiếc lá

Ngày xửa ngày xưa, có hai chiếc lá trên một cành cây. Chàng và nàng ngấm ngầm cảm mến nhau, nhưng hiềm một nỗi xung quanh một lũ một lĩ bao nhiêu là lá khác, mà anh ả thì đều một nòi cả thẹn.

Hai chiếc lá tội nghiệp nọ chẳng biết làm sao, đành ngày ngày liếc mắt tống tình nhau thay cho lời nói.

Khi mùa đông tới, cái lũ hàng xóm kỳ đà cản mũi đáng ghét kia cuối cùng cũng lần lượt lìa cành.

Tiếc thay, khi chàng và nàng đợi được tới giây phút chỉ có họ ở bên nhau, cũng là lúc cả hai đã già bố nó rồi!
Đẳng đáo hồng trần tàn toái, tha tài nhượng nhân song túc song phi
Đợi đến khi hồng trần tàn tạ, mới cho con người được chắp cánh cùng bay.
Ai là người thấu hiểu cái tư vị thê lương ấy nhỉ?

10 February, 2006

Apprivoiser

Chính lúc đó hiện ra con chồn:

"Chào chú", con chồn nói.

"Chào chú", hoàng tử lễ độ đáp lại, "Ngoảnh nhìn mà chẳng thấy chi hết."

"Ta ở tại đây", giọng nói vẳng lên, "Ta ở tại đây, dưới gốc cây táo..."

"Chú là ai?", hoàng tử bé nói, "Chú xinh lắm đó..."

"Ta là một con chồn", con chồn nói.

"Hãy tới đây chơi với ta nhé", hoàng tử bé đề nghị. "Ta buồn quá đỗi..."

"Ta chẳng thể chơi đùa với chú được", con chồn nói. "Ta chưa được tuần dưỡng nên tính khí chưa thuần".

"A! Xin lỗi nhé", hoàng tử bé thốt.

Nhưng, sau cơn suy ngẫm, chàng nói thêm:

"Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"

"Chú không phải người của xứ này", con chồn nói, "Chú tìm kiếm chi đây?"

"Ta tìm kiếm con người", hoàng tử bé đáp. "Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"

"Con người", con chồn nói, "Con người họ có những khẩu súng và họ đi săn bắn. Thật là điều rầy rà lắm đó. Họ cũng nuôi những con gà mái tơ nữa. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa nơi xứ sở con người... Gà mái ôi! Gà mái tơ hơ hớ... Chú đi tìm gà mái đó ư?"

"Không", hoàng tử bé đáp. "Ta tìm kiếm những người bạn thiết. Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"

"Đó là một điều bị quên lãng quá nhiều", con chồn đáp: "Đó có nghĩa là tạo nên những mối liên lạc..."

"Tạo nên những mối liên lạc?"

"Hẳn thế, con chồn nói. Đối với tôi, chú hiện giờ chỉ là một đứa trẻ giống y như trăm nghìn đứa trẻ bé khác. Và ta không cần thiết gì tới chú. Và chú cũng chẳng cần gì tới ta. Đối với chú, ta chỉ là một con chồn lũi lang thang như trăm nghìn con chồn lũi phất phơ phiêu hốt dưới sương trời lỗ đỗ thế thôi. Nhưng nếu chú tuần tuần thiện dưỡng ta, thì chúng ta sẽ cần tới nhau. Chú sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với ta. Ta sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với chú..."

"Ta bắt đầu hiểu rồi đó", hoàng tử bé nói. "Có một đóa hoa... ta tưởng nàng đã tuần dưỡng ta..."

"Có thể lắm, con chồn nói. Trên Trái Đất, thấy xiết bao là sự vật... vạn chủng thiên ban..."

"Ồ! Không phải ở trên Trái Đất", hoàng từ bé nói.

Con chồn có vẻ động tính hiếu kỳ:

"Ở trên một hành tinh khác?"

"Ừ."

"Có những kẻ đi săn, trên hành tinh ấy?"

"Không."

"Mọi sự, chẳng có một cái gì là hoàn hảo", con chồn thở ra một cái.

Nhưng con chồn trở lại với ý tưởng của nó:

"Đời ta tẻ nhạt. Ta đuổi bắt những con gà mái, loài người đuổi bắt ta. Mọi con gà mái đều giống nhau, và mọi con người đều giống nhau (dù là người phồn hoa rực rỡ, dù là người phố thị đìu hiu). Vậy nên ta có u sầu chán ngán đôi chút. Nhưng, nếu chú tuần dưỡng ta, cuộc sống của ta sẽ sáng sủa ra, kể như có bóng mặt trời chiếu vào vậy. Ta sẽ biết một tiếng động của một bàn chân bước đi, nghe khác hẳn mọi tiếng chân bước khác. Những bước chân khác khiến ta chui vào hang trong đất. Bước chân của chú lại gọi ta ló đầu ra ngoài hang nghe như âm thanh một giọng nhạc. Và này coi kìa! Chú thấy ở đằng xa kia kìa những cánh đồng lúa mì đó chớ? Ta không ăn bánh mì. Lúa mì đối với ta vô dụng. Những cánh đồng lúa mì chả có nhắc nhở ta cái gì ráo. Và cái điều đó, thật đáng buồn! Nhưng chú có những sợi tóc màu vàng óng. Vậy nên sự vụ sẽ trở thành huyền diệu, một khi chú đã tuần dưỡng ta xong! Lúa mì, màu vàng óng, từ đó về sau sẽ nhắc nhở ta nhớ tới chú. Và từ đó ta sẽ yêu dấu tiếng gió thổi thánh thót trong lúa mì hiu hiu..."

Con chồn dừng lại và nhìn thật lâu hoàng tử bé:

"Nếu chú vui lòng... hãy tuần dưỡng ta đi!"

"Ta muốn lắm", hoàng tử bé đáp, "Nhưng ta không có thì giờ nhiều. Ta còn phải kiếm những bạn thiết, khám phá thêm, còn nhiều sự vật phải tìm hiểu biết."

"Người ta chỉ hiểu biết những sự vật được người ta tuần dưỡng", con chồn nói. "Con người ngày nay không còn thì giờ để hiểu biết gì hết. Họ mua những đồ vật làm sẵn ở tại chợ, nơi những người lái buôn chuyên bán những bạn thiết, nên con người không có nữa những bạn thiết. Nếu chú muốn có một bạn thiết, hãy tuần dưỡng ta đi!"

"Phải làm sao?", hoàng tử bé hỏi.

"Phải hết sức nhẫn nại", con chồn đáp. "Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận. Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút..."

Ngày hôm sau, hoàng tử bé trở lại.

"Tốt hơn là nên trở lại vào cái giờ của bữa trước, một giờ nhất định, con chồn nói. Nếu chú đến, chả hạn, vào lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng. Rồi giờ khắc càng tiến tới gần thêm, ta sẽ càng tăng thêm sung sướng. Tới bốn giờ chiều thì, ha, ta loay hoay, e ngại, ta ngồi đứng không an; ta sẽ khám phá được ý nghĩa vô ngần hắt hiu của phù du mênh mông hạnh phúc! Nhưng nếu chú tới bất kể lúc nào, thì ta sẽ chẳng biết đâu vào đâu mà mò ra cho đúng cái giờ phải chuẩn bị cho cái trái tim, cái phút phải vận y phục vào cho cái cõi lòng đón chào tươm tất... Cần phải có những nghi thức mơ mộng, những điển lễ phôi pha."

"Sao gọi là điển lễ?", hoàng tử bé nói.

"Đó cũng lại là một cái gì bị quên lãng đi nhiều quá", con chồn nói. "Điển lễ, nghi tiết, là cái gì làm cho cái ngày này nó không giống mọi cái ngày khác, nó làm cho cái một giờ này không giống cái mọi giờ khác. Có điển lễ, chả hạn, nơi những người đi săn. Chúng nó khiêu vũ với gái thôn làng ngày thứ năm. Thế là ngày thứ năm là ngày huyền diệu! Ta sẽ đi dạo mon men tới tận mép đồng nho. Còn nếu bọn đi săn mà khiêu vũ bất cứ lúc nào, thì mọi mọi ngày ngày sẽ giống hệt như nhau, và ta sẽ không có buổi nghỉ ngơi, không có giờ hội hè hoan lạc."

Và thế đó, hoàng tử bé khởi sự tuần dưỡng con chồn. Và lúc tới giờ sắp từ giã:

"A!", con chồn nói, "Ta sắp khóc mất rồi..."

"Đó là lỗi tại chú, ta không có ý đem lại khổ tâm cho chú, nhưng vì chú đã muốn rằng ta tuần dưỡng thiện dụ chú..."

"Hẳn nhiên", con chồn nói.

"Thế thì chú chả có được lợi gì hết trong vụ này!"

"Trong vụ này ta được lợi đó", con chồn nói, "Ấy bởi cái màu lúa mì."

Rồi nó nói thêm:

"Hãy về nhìn lại những đóa hồng đi. Chú hiểu rằng riêng cái đóa hồng của chú là đóa hoa duy nhất trong cõi hồ sơn. Và suốt bình sinh của chú, bất cứ đi đâu, cách biệt nơi nào, chú vẫn đưa tâm hồn hướng về ban sơ hồ sơn hồi tưởng mãi, đúng như lời thi sĩ xưa kia “Sa Mạc hồi khan Thanh Cấm Nguyệt. Hồ Sơn ứng mộng Vũ Lâm Xuân..." Người xưa quả nhiên không có nói dối ta đâu. Chú sẽ trở lại vĩnh biệt ta, và ta sẽ biếu chú một bí ẩn để làm quà."

Hoàng tử bé quay gót đi nhìn lại những nụ hồng:

"Các nàng không có gì giống đóa hồng của ta, các nàng hiện chẳng là cái gì ráo", chàng bảo những đóa hồng như vậy. Chẳng có ai đã tuần dưỡng các nàng và các nàng cũng chẳng có tuần dưỡng ai cả. Các nàng cũng như con chồn của ta trước đây. Trước đây nó chỉ là một con chồn giống trăm nghìn con chồn khác. Nhưng ta đã biến nó nên bạn thiết của ta, và bây giờ nó trở thành duy nhất trong cõi hồ sơn ứng mộng cho Sa Mạc trổ bông Vũ Lâm Xuân hồi khan Thanh Cấm Nguyệt (!)"

Và những nụ hồng thật đã rất mực bực lòng bối rối.

"Các nàng đẹp, nhưng các nàng trống rỗng ở bên trong", chàng còn nói thêm như thế. "Người ta không thể vì các nàng mà chết đi trong ngậm ngùi tưởng niệm. Hẳn nhiên, đóa hồng của ta, một bộ hành đi qua ắt tưởng là nó giống các nàng. Nhưng riêng nó, nó lại quan trọng hơn hết thảy các nàng, bởi vì chính nó được ta tự tay tưới nước. Bởi vì chính nó đã được ta che giữ sau một tấm bình phong. Bởi ví chính nó đã được ta bắt sâu, tỉa bọ (trừ một vài con để lại nhằm những cánh bướm mai sau). Bởi vì chính nó đã được ta lắng tai nghe than van, hoặc nghe tán hươu tán vượn diễm kiều tài tử, hoặc đôi lúc lại được nghe cả cái lặng im căm nín như chiều Xuân vắng vẻ thanh hà. Bởi vì đó là đóa hồng của hồn ta tưởng nhớ."

Và chàng trở lại với con chồn:

"Vĩnh biệt chồn nhé", chàng nói...

"Vĩnh biệt chú đó", chồn nói. "Đây là điều bí ẩn. Thật rất đơn sơ: người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt."

"Cái tinh thể cốt thiết, nó vô hình đối với hai con mắt", hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.


"Chính cái thì giờ chú đã tiêu hao mất đi vì đóa hồng của chú, chính đó đã làm cho đóa hồng của chú trở thành xiết bao hệ trọng".

"Chính cái thì giờ tôi đã tiêu hao mất đi vì đóa hồng của tôi..." hoàng tử lặp lại, để ghi nhớ về sau.

"Con người đã quên chân lý đó", con chồn nói. "Nhưng chú chớ nên quên. Chú trở thành có trách nhiệm vĩnh viễn đối với cái gì chú đã một lần tuần dưỡng một phen. Chú có trách nhiệm với đóa hồng của chú."

"Tôi có trách nhiệm với đóa hồng của tôi"... hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.

Le Petit Prince - Saint Exupéry

02 February, 2006

Giai nhân ca

Bạch phát thu minh nguyệt
Thanh phong tán hiểu hà

Ngồi buồn buồn, duyệt lại trong mơ hồ những thước phim của của nàng mà tôi từng biết.

Tôi có hai tri âm trong làng điện ảnh Hong Kong. Vương Gia Vệ là tri âm về ký ức. Cũng như tôi, ông trân trọng, nâng niu, đắm đuối và ám ảnh với từng phút giây hoài niệm. Còn Từ Khắc là tri âm về nhan sắc. Ông có một cái nhìn rất riêng về nhan sắc giai nhân, cái nhìn mà tôi chia sẻ tận cùng, đặc biệt là về người con gái được mệnh danh là "tâm trung chi hậu" của Từ Khắc.

Nàng được Từ gọi là mỹ nhân trăm năm mới có một người. Còn Akiko Tetsuya tôn vinh nàng là "minh tinh cuối cùng của phương Đông". Cách so sánh ấy làm tôi nhớ đến U mộng ảnh của Trương Trào. Quả vậy, nàng không phải là nhan sắc của một thời mà chính là vưu vật của cổ kim vạn đại. Cái khóe mắt tà dị ấy, cái bờ môi quyến rũ ấy, cái cằm chẻ đầy khiêu khích ấy, tất thảy đã làm nên một giai nhân tuyệt thế đầu đội mũ tử kim, tay cầm quạt nhật nguyệt, mà vẻ lộng lẫy đến hoang đường đã in sâu vào trí óc tôi từ những ngày thơ trẻ.

Phim nàng đóng thì nhiều lắm, trên dưới 100, chính tôi cũng chưa từng xem hết. Nhưng có ba vai diễn của nàng đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể phai mờ. Thật lạ lùng khi cả ba đều là những người tình tuyệt vọng. Đông Phương Bất Bại. Luyện Nghê Thường. Mộ Dung Yên.

Tôi nhớ nàng, khóe thu ba đớn đau cùng cực khi gieo mình xuống Hắc Mộc nhai.
Tôi nhớ nàng, vẻ hoa dung sầu trường bạch phát khi tiếp một kiếm của Trác Nhất Hàng.
Tôi nhớ nàng, tiếng thổn thức trên đại mạc hoang lương khi đợi chờ người tình nhân không bao giờ xuất hiện.

Tôi nhớ nàng bờ môi ứa máu.
Tôi nhớ nàng trang điểm dưới ánh nến mãn đường hồng.
Tôi nhớ nàng thổi khúc tiêu bảng lảng dưới trăng đêm. "Hoàng đồ bá nghiệp đàm tiếu trung, bất thắng nhân sinh nhất trường túy".
Đấy phải chăng là khát vọng, cái khát vọng mà tôi vẫn hằng đeo đuổi?

Tôi nhớ nàng cười vang khánh ngọc
Tôi nhớ nàng ngây ngất trong vòng tay tình nhân.
Tôi nhớ nàng quằn quại dưới cực hình, nhưng vẫn nghiến răng bước đi theo tiếng gọi của trái tim mình.
Đấy phải chăng là dũng khí, cái dũng khí mà tôi vẫn hằng kính ngưỡng?

Tôi nhớ nàng ánh mắt hư không.
Tôi nhớ nàng giằng xé giữa hận và yêu.
Tôi nhớ nàng tuyệt vọng dưới bóng chiều chạng vạng, để rồi hóa thân thành một thanh kiếm ngạo thiên đầy cô độc trên giang hồ dậy sóng.
Đấy phải chăng là bi kịch, cái bi kịch mà tôi vẫn hằng thông cảm?

Một khúc đoản thiên viết tặng nàng - Tuyệt thế giai nhân.