06 July, 2006

Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt

Kim tiêu tửu tỉnh tri hà xứ
Vô xứ tương tầm nhất phiến tâm...

Trên đời này có nhiều hạng người, có người thích nghĩ về quá khứ, có người thích hiểu chuyện vị lai, nhưng cũng có người cho là chuyện hồi xưa chưa chắc đã là hay, chuyện tương lai không dễ gì suy đoán, chỉ có "hiện tại" là chân thực, nhất định dễ nắm bắt. Những hạng người ấy, không phải là không có chuyện để nhớ lại, chỉ bất quá thông thường không nguyện ý đi nghĩ đến nó thế thôi.

Chuyện xưa như khói, mộng cũ khó tìm. Cái gì mất rồi cũng đã mất rồi, làm chuyện gì sai cũng đã làm rồi. Một người đã học được một bài học từ đó rồi, thì cần gì phải nghĩ lại? Nghĩ lại cũng có để làm gì?

Có điều, mỗi khi bạn bè thân thiết tụ tập lại, lúc mấy bình rượu từ từ vơi đi, lúc hào tình buổi thiếu thời bắt đầu từ từ dưới bụng đưa lên, bọn họ không khỏi đề cập đến thời xa xưa, những chuyện chỉ cần nghĩ đến sẽ làm người ta muốn phát điên lên trong lòng, mỗi chuyện đều đáng cho bọn họ uống ba ly nghiêng ngửa.

Những chuyện làm người ta thương tâm, thất vọng, thống khổ, bọn họ nhất định sẽ không nghĩ đến. Vận khí của tôi cũng còn tốt lắm, hiện giờ tôi còn có thể thường thường được gặp mặt rất nhiều bạn bè hồi xưa. Xa lắc xa lơ, từ trước cái thời tôi bắt đầu uống rượu, tôi đã quen biết bọn họ rồi.

Uống rượu dĩ nhiên là một chuyện rất thích thú, nhưng uống say dậy lại hoàn toàn là một chuyện khác. Bạn mà say nhừ một trận, sáng hôm sau tỉnh dậy, thông thường không ở bên bờ dương liễu, cũng không có gió sớm trăng tàn. Bạn mà say nhừ một trận, sáng hôm sau tỉnh dậy, thông thường chỉ cảm thấy cái đầu của bạn lớn hơn gấp năm gấp sáu bình thường, không những vậy còn nhức muốn chết đi được, nhất là lần đầu tiên uống say lại càng chết người. Tôi đã từng trải qua cái kinh nghiệm đó.

Lúc đó tôi đang học trường Đạm Giang tại Đạm Thủy. Mấy người học cùng lớp bỗng đề nghị uống rượu, do đó tất cả đều rủ nhau đi kiếm mấy hũ rượu đem về. Đại khái có năm sáu người, tìm về bảy tám bình rượu, rượu Trung Hoa, rượu ngoại quốc, Hồng Lộ tửu, Ô Mai tửu, rượu nếp, rượu tạp nhạp đâu đó để một đống; mua chút đầu vịt, chân gà, đậu phụng, đậu hũ khô, mặt mày hứng khởi lại một gian phòng rách rưới của một người cùng lớp mướn một trăm hai mươi đồng tiền một tháng ngồi uống, uống một hồi lại chuyển qua bờ đê gần biển Đạm Thủy. Không phải bờ dương liễu, mà là bờ đê. Hôm ấy cũng không có trăng, chỉ có sao… sao đầy trời.

Mọi người cầm bình rượu, nằm soải ra trên bờ đê lạnh ngắt như đá, nằm dưới ánh sao trời lấp lánh, nằm nghe gió biển thổi sóng đánh vào bờ đê, mi đưa bình rượu cho y, y uống một ngụm, y đưa bình rượu cho ta, ta uống một ngụm, lại đưa qua người khác. Mọi người bắt đầu thi đánh rắm, ai đánh không ra phải phạt uống một ngụm lớn.

Muốn tùy thời tùy lúc đánh rắm không phải là chuyện dễ, trong mình ôm được tuyệt kỹ ấy chỉ có một người, y nói đánh là đánh, nhất định không có tý gì là trì nê đái thủy lôi thôi cả. Vì vậy y cứ đánh rắm liên tục, còn bọn tôi thì cứ liều mạng uống rượu. Hôm ấy, mọi người thật uống một trận đã đời, vì vậy mà ngày hôm sau khó chịu muốn chết luôn. Có điều bây giờ ngồi nghĩ lại, cảm giác khó chịu đã tiêu tan không còn lại một chút gì, chỉ còn lại cái thứ lạc thú của tình bạn. Cái đêm có sóng biển, có sao trời đó, hình như đã bị phi đao của Tiểu Lý khắc vào trong tim, khắc một cái dấu sâu thật sâu.

Trên đời chuyện không được như ý có tới tám chín phần, nhân sinh cũng có quá đủ khổ đau rồi, tại sao còn phải đi tìm thêm sầu não? Tôi rất hiểu cái lối suy nghĩ và tâm tình của những hạng người đó, bởi vì tôi chính là hạng người đó. Những chuyện tôi đang nói đây, mỗi khi tôi nhớ đến, lại cảm thấy như mình đang ở trong cái đêm lạnh lẽo trừ tám độ đó, đội bão tuyết về nhà, cởi áo quần ướt nhẹp lạnh băng băng ra, chui vào trong cái mền nóng hổi.

Bạn bè và rượu đều cũ mới ngon.

Tôi cũng hiểu cái câu đó. Tôi thích bạn bè, thích uống rượu; chơi bời với một người bạn thân bao nhiêu năm nay, uống một ly Bạch Lan Địa để tám chục năm trời, cái thứ cảm giác ấy làm sao còn hình dung ra cho nổi? Chỉ tiếc là trong xã hội hiện đại này, cái cơ hội như thế càng lúc càng ít đi.

Xã hội càng tiến bộ, giao thông càng phát triển, chân trời xa nhau bỗng gần như mấy thước. Tối nay còn ở trong nhà người uống mấy ly, nói chuyện xa xưa với bạn bè, hôm sau rất có thể đã ở xa mãi tận chân trời.

No comments: