18 February, 2006

Chuyện tình hai chiếc lá

Ngày xửa ngày xưa, có hai chiếc lá trên một cành cây. Chàng và nàng ngấm ngầm cảm mến nhau, nhưng hiềm một nỗi xung quanh một lũ một lĩ bao nhiêu là lá khác, mà anh ả thì đều một nòi cả thẹn.

Hai chiếc lá tội nghiệp nọ chẳng biết làm sao, đành ngày ngày liếc mắt tống tình nhau thay cho lời nói.

Khi mùa đông tới, cái lũ hàng xóm kỳ đà cản mũi đáng ghét kia cuối cùng cũng lần lượt lìa cành.

Tiếc thay, khi chàng và nàng đợi được tới giây phút chỉ có họ ở bên nhau, cũng là lúc cả hai đã già bố nó rồi!
Đẳng đáo hồng trần tàn toái, tha tài nhượng nhân song túc song phi
Đợi đến khi hồng trần tàn tạ, mới cho con người được chắp cánh cùng bay.
Ai là người thấu hiểu cái tư vị thê lương ấy nhỉ?

10 February, 2006

Apprivoiser

Chính lúc đó hiện ra con chồn:

"Chào chú", con chồn nói.

"Chào chú", hoàng tử lễ độ đáp lại, "Ngoảnh nhìn mà chẳng thấy chi hết."

"Ta ở tại đây", giọng nói vẳng lên, "Ta ở tại đây, dưới gốc cây táo..."

"Chú là ai?", hoàng tử bé nói, "Chú xinh lắm đó..."

"Ta là một con chồn", con chồn nói.

"Hãy tới đây chơi với ta nhé", hoàng tử bé đề nghị. "Ta buồn quá đỗi..."

"Ta chẳng thể chơi đùa với chú được", con chồn nói. "Ta chưa được tuần dưỡng nên tính khí chưa thuần".

"A! Xin lỗi nhé", hoàng tử bé thốt.

Nhưng, sau cơn suy ngẫm, chàng nói thêm:

"Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"

"Chú không phải người của xứ này", con chồn nói, "Chú tìm kiếm chi đây?"

"Ta tìm kiếm con người", hoàng tử bé đáp. "Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"

"Con người", con chồn nói, "Con người họ có những khẩu súng và họ đi săn bắn. Thật là điều rầy rà lắm đó. Họ cũng nuôi những con gà mái tơ nữa. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa nơi xứ sở con người... Gà mái ôi! Gà mái tơ hơ hớ... Chú đi tìm gà mái đó ư?"

"Không", hoàng tử bé đáp. "Ta tìm kiếm những người bạn thiết. Tuần dưỡng có nghĩa là gì?"

"Đó là một điều bị quên lãng quá nhiều", con chồn đáp: "Đó có nghĩa là tạo nên những mối liên lạc..."

"Tạo nên những mối liên lạc?"

"Hẳn thế, con chồn nói. Đối với tôi, chú hiện giờ chỉ là một đứa trẻ giống y như trăm nghìn đứa trẻ bé khác. Và ta không cần thiết gì tới chú. Và chú cũng chẳng cần gì tới ta. Đối với chú, ta chỉ là một con chồn lũi lang thang như trăm nghìn con chồn lũi phất phơ phiêu hốt dưới sương trời lỗ đỗ thế thôi. Nhưng nếu chú tuần tuần thiện dưỡng ta, thì chúng ta sẽ cần tới nhau. Chú sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với ta. Ta sẽ trở nên duy nhất trong cõi đời, đối với chú..."

"Ta bắt đầu hiểu rồi đó", hoàng tử bé nói. "Có một đóa hoa... ta tưởng nàng đã tuần dưỡng ta..."

"Có thể lắm, con chồn nói. Trên Trái Đất, thấy xiết bao là sự vật... vạn chủng thiên ban..."

"Ồ! Không phải ở trên Trái Đất", hoàng từ bé nói.

Con chồn có vẻ động tính hiếu kỳ:

"Ở trên một hành tinh khác?"

"Ừ."

"Có những kẻ đi săn, trên hành tinh ấy?"

"Không."

"Mọi sự, chẳng có một cái gì là hoàn hảo", con chồn thở ra một cái.

Nhưng con chồn trở lại với ý tưởng của nó:

"Đời ta tẻ nhạt. Ta đuổi bắt những con gà mái, loài người đuổi bắt ta. Mọi con gà mái đều giống nhau, và mọi con người đều giống nhau (dù là người phồn hoa rực rỡ, dù là người phố thị đìu hiu). Vậy nên ta có u sầu chán ngán đôi chút. Nhưng, nếu chú tuần dưỡng ta, cuộc sống của ta sẽ sáng sủa ra, kể như có bóng mặt trời chiếu vào vậy. Ta sẽ biết một tiếng động của một bàn chân bước đi, nghe khác hẳn mọi tiếng chân bước khác. Những bước chân khác khiến ta chui vào hang trong đất. Bước chân của chú lại gọi ta ló đầu ra ngoài hang nghe như âm thanh một giọng nhạc. Và này coi kìa! Chú thấy ở đằng xa kia kìa những cánh đồng lúa mì đó chớ? Ta không ăn bánh mì. Lúa mì đối với ta vô dụng. Những cánh đồng lúa mì chả có nhắc nhở ta cái gì ráo. Và cái điều đó, thật đáng buồn! Nhưng chú có những sợi tóc màu vàng óng. Vậy nên sự vụ sẽ trở thành huyền diệu, một khi chú đã tuần dưỡng ta xong! Lúa mì, màu vàng óng, từ đó về sau sẽ nhắc nhở ta nhớ tới chú. Và từ đó ta sẽ yêu dấu tiếng gió thổi thánh thót trong lúa mì hiu hiu..."

Con chồn dừng lại và nhìn thật lâu hoàng tử bé:

"Nếu chú vui lòng... hãy tuần dưỡng ta đi!"

"Ta muốn lắm", hoàng tử bé đáp, "Nhưng ta không có thì giờ nhiều. Ta còn phải kiếm những bạn thiết, khám phá thêm, còn nhiều sự vật phải tìm hiểu biết."

"Người ta chỉ hiểu biết những sự vật được người ta tuần dưỡng", con chồn nói. "Con người ngày nay không còn thì giờ để hiểu biết gì hết. Họ mua những đồ vật làm sẵn ở tại chợ, nơi những người lái buôn chuyên bán những bạn thiết, nên con người không có nữa những bạn thiết. Nếu chú muốn có một bạn thiết, hãy tuần dưỡng ta đi!"

"Phải làm sao?", hoàng tử bé hỏi.

"Phải hết sức nhẫn nại", con chồn đáp. "Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận. Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút..."

Ngày hôm sau, hoàng tử bé trở lại.

"Tốt hơn là nên trở lại vào cái giờ của bữa trước, một giờ nhất định, con chồn nói. Nếu chú đến, chả hạn, vào lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng. Rồi giờ khắc càng tiến tới gần thêm, ta sẽ càng tăng thêm sung sướng. Tới bốn giờ chiều thì, ha, ta loay hoay, e ngại, ta ngồi đứng không an; ta sẽ khám phá được ý nghĩa vô ngần hắt hiu của phù du mênh mông hạnh phúc! Nhưng nếu chú tới bất kể lúc nào, thì ta sẽ chẳng biết đâu vào đâu mà mò ra cho đúng cái giờ phải chuẩn bị cho cái trái tim, cái phút phải vận y phục vào cho cái cõi lòng đón chào tươm tất... Cần phải có những nghi thức mơ mộng, những điển lễ phôi pha."

"Sao gọi là điển lễ?", hoàng tử bé nói.

"Đó cũng lại là một cái gì bị quên lãng đi nhiều quá", con chồn nói. "Điển lễ, nghi tiết, là cái gì làm cho cái ngày này nó không giống mọi cái ngày khác, nó làm cho cái một giờ này không giống cái mọi giờ khác. Có điển lễ, chả hạn, nơi những người đi săn. Chúng nó khiêu vũ với gái thôn làng ngày thứ năm. Thế là ngày thứ năm là ngày huyền diệu! Ta sẽ đi dạo mon men tới tận mép đồng nho. Còn nếu bọn đi săn mà khiêu vũ bất cứ lúc nào, thì mọi mọi ngày ngày sẽ giống hệt như nhau, và ta sẽ không có buổi nghỉ ngơi, không có giờ hội hè hoan lạc."

Và thế đó, hoàng tử bé khởi sự tuần dưỡng con chồn. Và lúc tới giờ sắp từ giã:

"A!", con chồn nói, "Ta sắp khóc mất rồi..."

"Đó là lỗi tại chú, ta không có ý đem lại khổ tâm cho chú, nhưng vì chú đã muốn rằng ta tuần dưỡng thiện dụ chú..."

"Hẳn nhiên", con chồn nói.

"Thế thì chú chả có được lợi gì hết trong vụ này!"

"Trong vụ này ta được lợi đó", con chồn nói, "Ấy bởi cái màu lúa mì."

Rồi nó nói thêm:

"Hãy về nhìn lại những đóa hồng đi. Chú hiểu rằng riêng cái đóa hồng của chú là đóa hoa duy nhất trong cõi hồ sơn. Và suốt bình sinh của chú, bất cứ đi đâu, cách biệt nơi nào, chú vẫn đưa tâm hồn hướng về ban sơ hồ sơn hồi tưởng mãi, đúng như lời thi sĩ xưa kia “Sa Mạc hồi khan Thanh Cấm Nguyệt. Hồ Sơn ứng mộng Vũ Lâm Xuân..." Người xưa quả nhiên không có nói dối ta đâu. Chú sẽ trở lại vĩnh biệt ta, và ta sẽ biếu chú một bí ẩn để làm quà."

Hoàng tử bé quay gót đi nhìn lại những nụ hồng:

"Các nàng không có gì giống đóa hồng của ta, các nàng hiện chẳng là cái gì ráo", chàng bảo những đóa hồng như vậy. Chẳng có ai đã tuần dưỡng các nàng và các nàng cũng chẳng có tuần dưỡng ai cả. Các nàng cũng như con chồn của ta trước đây. Trước đây nó chỉ là một con chồn giống trăm nghìn con chồn khác. Nhưng ta đã biến nó nên bạn thiết của ta, và bây giờ nó trở thành duy nhất trong cõi hồ sơn ứng mộng cho Sa Mạc trổ bông Vũ Lâm Xuân hồi khan Thanh Cấm Nguyệt (!)"

Và những nụ hồng thật đã rất mực bực lòng bối rối.

"Các nàng đẹp, nhưng các nàng trống rỗng ở bên trong", chàng còn nói thêm như thế. "Người ta không thể vì các nàng mà chết đi trong ngậm ngùi tưởng niệm. Hẳn nhiên, đóa hồng của ta, một bộ hành đi qua ắt tưởng là nó giống các nàng. Nhưng riêng nó, nó lại quan trọng hơn hết thảy các nàng, bởi vì chính nó được ta tự tay tưới nước. Bởi vì chính nó đã được ta che giữ sau một tấm bình phong. Bởi ví chính nó đã được ta bắt sâu, tỉa bọ (trừ một vài con để lại nhằm những cánh bướm mai sau). Bởi vì chính nó đã được ta lắng tai nghe than van, hoặc nghe tán hươu tán vượn diễm kiều tài tử, hoặc đôi lúc lại được nghe cả cái lặng im căm nín như chiều Xuân vắng vẻ thanh hà. Bởi vì đó là đóa hồng của hồn ta tưởng nhớ."

Và chàng trở lại với con chồn:

"Vĩnh biệt chồn nhé", chàng nói...

"Vĩnh biệt chú đó", chồn nói. "Đây là điều bí ẩn. Thật rất đơn sơ: người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt."

"Cái tinh thể cốt thiết, nó vô hình đối với hai con mắt", hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.


"Chính cái thì giờ chú đã tiêu hao mất đi vì đóa hồng của chú, chính đó đã làm cho đóa hồng của chú trở thành xiết bao hệ trọng".

"Chính cái thì giờ tôi đã tiêu hao mất đi vì đóa hồng của tôi..." hoàng tử lặp lại, để ghi nhớ về sau.

"Con người đã quên chân lý đó", con chồn nói. "Nhưng chú chớ nên quên. Chú trở thành có trách nhiệm vĩnh viễn đối với cái gì chú đã một lần tuần dưỡng một phen. Chú có trách nhiệm với đóa hồng của chú."

"Tôi có trách nhiệm với đóa hồng của tôi"... hoàng tử bé lặp lại, để ghi nhớ về sau.

Le Petit Prince - Saint Exupéry

02 February, 2006

Giai nhân ca

Bạch phát thu minh nguyệt
Thanh phong tán hiểu hà

Ngồi buồn buồn, duyệt lại trong mơ hồ những thước phim của của nàng mà tôi từng biết.

Tôi có hai tri âm trong làng điện ảnh Hong Kong. Vương Gia Vệ là tri âm về ký ức. Cũng như tôi, ông trân trọng, nâng niu, đắm đuối và ám ảnh với từng phút giây hoài niệm. Còn Từ Khắc là tri âm về nhan sắc. Ông có một cái nhìn rất riêng về nhan sắc giai nhân, cái nhìn mà tôi chia sẻ tận cùng, đặc biệt là về người con gái được mệnh danh là "tâm trung chi hậu" của Từ Khắc.

Nàng được Từ gọi là mỹ nhân trăm năm mới có một người. Còn Akiko Tetsuya tôn vinh nàng là "minh tinh cuối cùng của phương Đông". Cách so sánh ấy làm tôi nhớ đến U mộng ảnh của Trương Trào. Quả vậy, nàng không phải là nhan sắc của một thời mà chính là vưu vật của cổ kim vạn đại. Cái khóe mắt tà dị ấy, cái bờ môi quyến rũ ấy, cái cằm chẻ đầy khiêu khích ấy, tất thảy đã làm nên một giai nhân tuyệt thế đầu đội mũ tử kim, tay cầm quạt nhật nguyệt, mà vẻ lộng lẫy đến hoang đường đã in sâu vào trí óc tôi từ những ngày thơ trẻ.

Phim nàng đóng thì nhiều lắm, trên dưới 100, chính tôi cũng chưa từng xem hết. Nhưng có ba vai diễn của nàng đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể phai mờ. Thật lạ lùng khi cả ba đều là những người tình tuyệt vọng. Đông Phương Bất Bại. Luyện Nghê Thường. Mộ Dung Yên.

Tôi nhớ nàng, khóe thu ba đớn đau cùng cực khi gieo mình xuống Hắc Mộc nhai.
Tôi nhớ nàng, vẻ hoa dung sầu trường bạch phát khi tiếp một kiếm của Trác Nhất Hàng.
Tôi nhớ nàng, tiếng thổn thức trên đại mạc hoang lương khi đợi chờ người tình nhân không bao giờ xuất hiện.

Tôi nhớ nàng bờ môi ứa máu.
Tôi nhớ nàng trang điểm dưới ánh nến mãn đường hồng.
Tôi nhớ nàng thổi khúc tiêu bảng lảng dưới trăng đêm. "Hoàng đồ bá nghiệp đàm tiếu trung, bất thắng nhân sinh nhất trường túy".
Đấy phải chăng là khát vọng, cái khát vọng mà tôi vẫn hằng đeo đuổi?

Tôi nhớ nàng cười vang khánh ngọc
Tôi nhớ nàng ngây ngất trong vòng tay tình nhân.
Tôi nhớ nàng quằn quại dưới cực hình, nhưng vẫn nghiến răng bước đi theo tiếng gọi của trái tim mình.
Đấy phải chăng là dũng khí, cái dũng khí mà tôi vẫn hằng kính ngưỡng?

Tôi nhớ nàng ánh mắt hư không.
Tôi nhớ nàng giằng xé giữa hận và yêu.
Tôi nhớ nàng tuyệt vọng dưới bóng chiều chạng vạng, để rồi hóa thân thành một thanh kiếm ngạo thiên đầy cô độc trên giang hồ dậy sóng.
Đấy phải chăng là bi kịch, cái bi kịch mà tôi vẫn hằng thông cảm?

Một khúc đoản thiên viết tặng nàng - Tuyệt thế giai nhân.